Rối rắm vấn nạn nhập cư

Dòng người di cư ồ ạt từ các nước Trung Đông đang đặt ra thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử thành lập Liên minh châu Âu (EU) khi loay hoay với câu hỏi có nên tiếp nhận hay không.

Đức là quốc gia đầu tiên tại EU sớm mở rộng cửa đón người nhập cư khi công bố sẽ nhận 800.000 người nhập cư trong năm 2015 - nhiều hơn tất cả những nước châu Âu còn lại. Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel còn đề xuất gói kinh phí hỗ trợ người nhập cư lên đến 7 tỷ USD. Chính điều này đã đưa bà Angela Merkel đứng trước sức ép rất lớn trong liên minh cầm quyền và cả những người dân trong nước khi cho rằng đây là quyết định sai lầm. Còn nước Anh, dù trước đó London đã có những chính sách siết chặt nhập cư, nhưng Thủ tướng Anh David Cameron cũng khẳng định đón chào hàng ngàn người di cư từ Syria tới nước này. Dự kiến, con số tiếp nhận sẽ khoảng 4.000 người nhập cư.

Trong EU hiện chỉ có Đức và Pháp ủng hộ áp đặt hạn ngạch nhập cư nhưng Ba Lan, Hungary, Slovakia và CH Czech tỏ ra không đồng tình khiến phương án này bị trì hoãn. Theo Guardian, vấn đề nhập cư đang gây chia rẽ sâu sắc trong EU và đặt ra hai tuyến đối lập giữa cái gọi là “châu Âu cũ” và “châu Âu mới”. Gần 10 năm sau khi gia nhập EU, các nước Đông Âu đã cho thấy khác biệt về văn hóa khi không sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với các nước khác trong khối. Thủ tướng Hungary Viktor Orban gây xôn xao dư luận khi tuyên bố người Hungary sợ hãi trước làn sóng di cư. Ông kêu gọi người nhập cư Trung Đông không đến châu Âu và nhấn mạnh nước này không muốn chấp nhận hậu quả của việc tiếp nhận một số lượng lớn người Hồi giáo. Thậm chí, ông còn mô tả khủng hoảng di cư là vấn đề của riêng nước Đức vì phần lớn người di cư muốn đến Đức định cư. Lý do mà các nước Đông Âu đưa ra là khi tiếp nhận những người nhập cư đến từ các quốc gia Bắc Phi - Trung Đông, nơi thường xuyên xảy ra bất ổn thì mức độ mất an ninh, an toàn cũng như khả năng thiếu hụt về phúc lợi xã hội là rất lớn. Đó là chưa kể đến nguy cơ các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể trà trộn vào người nhập cư để xâm nhập vào các nước thành viên EU, từ đó lập mạng lưới, chi nhánh khủng bố và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố mới…

Thống kê của Liên hiệp quốc cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, hơn 2.500 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên hành trình vượt biển để tìm đến miền đất hứa châu Âu. Một con số kỷ lục. Theo ông David Miliband, cựu Ngoại trưởng Anh, hiện nay là Chủ tịch Ủy ban Cứu nạn quốc tế, nước Mỹ cần chia sẻ gánh nặng với EU. Washington vẫn đang đứng ngoài các cuộc tranh cãi về nhập cư và vẫn không có tiếng nói nào về vấn đề trên, trong khi quốc gia này được cho là đã “nhúng tay” vào mọi cuộc xung đột ở Trung Đông lẫn Bắc Phi. Các nước vùng Vịnh cũng đang bị chỉ trích vì thái độ thờ ơ với cộng đồng người Arab ở các nước láng giềng có xung đột.

Theo Reuters, quan điểm phải bảo bọc cộng đồng người nhập cư cũng cần phải xem xét lại vì cũng có không ít người đến châu Âu là lao động có trình độ kỹ thuật cao. Châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị già hóa dân số, tỷ lệ lao động trẻ bị sụt giảm do tỷ lệ sinh thấp nên việc có thêm những lao động nhập cư sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Các nhà phân tích cho rằng, EU cần có cách thức đăng ký và phân loại người nhập cư phù hợp hơn, nhằm xác định rõ đâu là người tị nạn chạy trốn chiến tranh, đâu là người nhập cư kinh tế muốn có cuộc sống tốt hơn và không được hưởng quy chế tị nạn. EU nên tích cực hơn trong việc hỗ trợ các quốc gia xung quanh vùng chiến sự như Syria, Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, những nước đang không thể đối phó với làn sóng 4,5 triệu người tị nạn tràn ra khỏi Syria trong vòng 4 năm qua.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục