Ở các nước, mỗi cá nhân khi sinh ra được Chính phủ cấp một mã ID - Identification number (thẻ căn cước). Con số này sẽ theo cá nhân đó đến suốt đời. Ở Việt Nam, người trưởng thành được cấp mã số chứng minh nhân dân. Trong mã số có số đầu là mã tỉnh, thành, các con số sau theo thứ tự quản lý. Thế nhưng, do thói quen quản lý thủ công nên các mẫu khai giấy tờ buộc người dân ngoài việc phải ghi số chứng minh nhân dân, còn phải ghi cả ngày cấp, nơi cấp. Trong khi “ngày cấp” trong chứng minh nhân dân để giúp kiểm tra giấy chứng minh đó có quá thời hạn 15 năm, vì quá lâu sẽ khó trong việc đối chiếu hình ảnh với người thật. Do vậy, nếu khai trong giấy tờ cả ngày cấp là điều không cần thiết.
Chỉ riêng dãy số chứng minh nhân dân cá nhân thôi đã đến 9 chữ số, rồi lại phải nhớ ngày tháng năm, nơi cấp tạo thêm sự phức tạp. Rồi mỗi cá nhân khi dùng đến tài khoản ngân hàng thì mỗi ngân hàng cấp mã số tài khoản cho cá nhân với hàng loạt con số, khiến không ai có thể nhớ nổi số tài khoản của mình. Đã vậy, hiện nay các ngân hàng còn chưa liên thông tốt với nhau, người dân chuyển tiền từ hệ thống ngân hàng này sang hệ thống ngân hàng khác phải tốn thời gian 1 - 3 ngày, phải trả phí, nên để thuận tiện mỗi cá nhân phải tạo nhiều tài khoản ở các hệ thống ngân hàng khác nhau. Điều đó khiến nhiều người thốt lên rằng, tôi không thể nhớ hết các con số liên quan đến mình!
Những năm gần đây, thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, mỗi cá nhân có thu nhập được Tổng cục Thuế cấp cho một mã số thuế. Lại một mã số dài gần chục con số, cũng chẳng ai có thể nhớ nổi. Khi người dân có thu nhập tăng thêm từ tiền lương, tiền công, hoa hồng, thì không thể nhớ mã số thuế cá nhân của mình để cung cấp cho đơn vị chi trả. Các đơn vị chi trả phải vào mạng ngành thuế, đánh số chứng minh nhân dân nhằm truy tìm mã số thuế. Mà mạng của ngành thuế thường quá tải, hay bị treo nên đôi bên chi trả phải cùng chờ, ách tắc, khiến bao nhiều người khác phải chờ theo. Thật bất tiện!
Thiết nghĩ, tại sao các ngành liên quan như ngân hàng, thuế không dùng số chứng minh nhân dân của mỗi cá nhân và thêm đầu số mã của đơn vị, ngành mình thành mã số thống nhất. Ví dụ, ngân hàng A. có mã số 16, dãy số sau là số chứng minh nhân dân của cá nhân, tạo thành số tài khoản của cá nhân đó tại ngân hàng A.; ngân hàng B. có mã số 17 cũng gắn với số chứng minh nhân dân sẽ thành số tài khoản của cá nhân tại ngân hàng B.
Tương tự, Tổng cục Thuế cũng có thể dùng mã số của ngành mình gắn với đuôi là số chứng minh nhân dân để tạo ra mã số thuế của từng cá nhân. Như vậy, khi mỗi cá nhân trưởng thành, được cấp chứng minh nhân dân, ngành thuế chỉ việc cập nhật mã số chứng minh nhân dân từ cơ quan công an là có thể quản lý và thu được thuế từ mỗi cá nhân. Việc đó vừa đỡ tốn thời gian, cá nhân không phải đi đăng ký mã số thuế, không phải khai hàng loạt giấy tờ và vừa đỡ phải nhớ những con số lạ lẫm. Hơn nữa, khi cá nhân giao dịch với bất kỳ tổ chức nào cũng chỉ cần xuất trình duy nhất giấy chứng minh nhân dân thì các tổ chức, ngành có thể quản lý được toàn diện.
HÀN NI