Rối xử lý “hậu” dự án treo

Núi tiền chôn vào đất
Rối xử lý “hậu” dự án treo

Năm 2013, TPHCM đã ra quyết định chấm dứt hoặc thu hồi trên 500 dự án vì đền bù dang dở, chủ đầu tư chây ỳ không tiếp tục triển khai, nhờ đó, một số quyền lợi của người dân trong dự án được khôi phục. Tuy nhiên, hậu thu hồi là câu chuyện kéo dài lê thê…

Núi tiền chôn vào đất

Có người ước tính, ngần ấy chi phí đầu tư dự án dang dở đã chôn hẳn vào đất - không lối thoát - lên đến nhiều trăm ngàn tỷ đồng, kéo theo là sự bức xúc của xã hội.

Là một xã nông nghiệp, đất đai rộng lớn nên Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) là “điều kiện tốt” hình thành các “đại dự án” nhà ở. Năm 2009, UBND TP chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư dự án Phong Phú 2, có diện tích 127ha. Đến năm 2013, dự án bồi thường chưa tới một nửa, loang lổ da beo, Sở Tài nguyên - Môi trường ra văn bản chấm dứt chấp thuận địa điểm. Một dự án song sinh khác cùng thời điểm là khu biệt thự sinh thái xã Phong Phú do Công ty TNHH Dịch vụ Triển Phong làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 38ha. Dự án chấm dứt, người sử dụng đất được quyền sửa chữa nhà, cấp giấy chủ quyền nhưng thực tế quy hoạch vẫn còn đó. Người dân gọi là quy hoạch treo nên không dám đầu tư làm ăn trên đất của mình.

Còn chủ đầu tư thì sao? Bà Trương Mỹ Linh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh, cho biết đối với phần đất đã đền bù, có nhiều trường hợp công ty cho người dân mượn đất để canh tác. Mặc dù dự án bị thu hồi nhưng vẫn phải duy trì bộ máy quản lý, cần người giữ đất, định kỳ hàng quý xuống xem người mượn đất canh tác có đúng mục đích hay có san lấp làm trái so với hiện trạng hay không… Tính đến nay, công ty đã bỏ ra hơn 200 tỷ đồng; dự án dừng lại nhưng lãi ngân hàng vẫn phải trả, tiền lương bộ máy vẫn thanh toán đều đặn!

Một dạng dự án dang dở khác, dẫn đến sự “bức xúc toàn tập”, là trường hợp dự án khu nhà ở do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Gia Định làm chủ đầu tư tại phường Thới An (quận 12). Dự án rộng 15ha, chấp thuận giao đất từ năm 2003, đến nay đền bù gần xong, chỉ còn 4.700m2 đất là cù cưa với người dân. Theo chủ đầu tư, hồi trước hứa bồi thường với người dân 2,5 triệu đồng/m2 nhưng nay giảm xuống 2 triệu đồng/m2, lý do là thị trường bất động sản đi xuống (!?). Đó là một trong những mắc mứu chính làm cho dự án ách tắc. Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết: “Các lãnh đạo của quận đều phải tiếp dân liên quan đến dự án này. Bức xúc của người dân là rất chính đáng. Công ty xuống thương lượng với dân, bảo cái này là nhà nước kêu tôi đền bù chứ tôi đâu có muốn đền bù đâu? Nói vậy nghe sao được?”. Vì dự án dang dở nên hạ tầng không có, chủ đầu tư chỉ xây dựng duy nhất một chung cư 5 tầng với 54 căn hộ, không làm đường sá, không rào giậu, không an ninh, không vệ sinh, cỏ lát mọc bao phủ ngút ngàn. “Chung cư cho dân vào ở, bán dứt dạt coi như bỏ luôn, ban quản trị không có, bảo trì bảo dưỡng không có, phòng cháy chữa cháy không có, bán được ôm tiền rồi không có trách nhiệm gì hết. Dân phản ánh rất nhiều, công ty không tiếp”, ông Lê Trương Hải Hiếu nói.

Chung cư 5 tầng nằm lẻ loi giữa cánh đồng, tại dự án khu nhà ở phường Thới An, quận 12, do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Gia định làm chủ đầu tư

Lối thoát nào?

Theo ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, sở dĩ có tình trạng dự án dở dang là mang “yếu tố lịch sử”. Ngày xưa, các nhà đầu tư chỉ có khả năng làm nhỏ nhưng khi xuống huyện thì bị “ép làm thêm”, phải gom luôn trường học, bệnh viện, cây xanh… Khả năng của một nhà đầu tư có hạn, tài chính không đáp ứng được thì lấy gì làm? Mặt khác, quy định cũ dễ dẫn tới đầu cơ, xí phần, ôm dự án to quá sức, cứ gia hạn hoài. “Nhưng bây giờ dự án dở dang, tiền đổ vào đó rồi tính làm sao? Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phải ngồi lại xem xét toàn bộ, đưa ra kế hoạch từng năm; khả năng của chủ đầu tư tới đâu, nếu tiếp tục làm thì điều chỉnh lại dự án, còn không thì thu hồi để giao cho đơn vị khác. Phần nào không đầu tư thì trả lại cho người dân để thực hiện các quyền bình thường”, ông Thạch nêu giải pháp.

“Có ba hướng xử lý dự án dang dở”, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, đề xuất. Thứ nhất, xem xét điều chỉnh ranh đất dự án đối với phần đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng, chỉ thực hiện được khi tập trung, không bị da beo, khép kín theo quy hoạch chi tiết 1/2000. Giải pháp này tạo điều kiện cho doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn nhưng phải đảm bảo kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, cấp - thoát nước, chiếu sáng. “Không được khoét lõm, có chỗ nào làm chỗ đó thì mai này ai gánh hạ tầng? Chắc chắn dân gánh, nhà nước gánh, vì nhà đầu tư bán xong rồi thì họ đi”, ông Tuấn cảnh báo.

Thứ hai, nếu nhà đầu tư có nguồn lực tài chính mạnh, muốn giải thoát vốn đã đầu tư vào đất thì tiếp tục nhồi vốn, tự giải phóng mặt bằng, tự gặp dân thương lượng, khi đạt được 100% thì được chỉ định chủ đầu tư theo quy định. Trên thực tế, vì động lực phát triển của địa phương, chính quyền địa phương phải tiếp sức chủ đầu tư đối với trường hợp còn một khu đất không thể đền bù, vì đặt giá cao rất nhiều lần. Làm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của hai bên, vừa vận động người dân, vừa thuyết phục nhà đầu tư vì khi dự án ra đời thì sẽ phát triển cho địa phương. Phương án cuối cùng là tiến hành đấu thầu, mời gọi chủ đầu tư theo quy định, phải chứng minh năng lực tài chính, đề xuất phương án giải phóng mặt bằng, thống nhất giữa nhà đầu tư với địa phương, phải khảo sát nắm số liệu chính xác số hộ dân, diện tích, nguyện vọng như thế nào… Về tổng thể, “trách nhiệm của chính quyền địa phương phải bảo đảm được lợi ích chính đáng của người dân sống trong khu vực có dự án chậm triển khai”, ông Trần Trọng Tuấn nói.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục