Sa Pa là “thủ đô mùa hè” của người Pháp ở Bắc Kỳ ngày xưa, nhưng lặng lẽ trong thời bao cấp. Mấy bạn Sài Gòn háo hức, bảo tôi tổ chức đi chơi. Lần đó, chúng tôi rời Hà Nội, lắc lư suốt đêm trong cúp-pê bốn giường khá thoải mái, sáng sau đến Lào Cai, đã có hướng dẫn viên đón ở sân ga, dắt đi ăn sáng rồi lên xe tới Sa Pa.
Từ đầu thế kỷ trước, người Pháp đã tìm ra một bãi cát rộng ở triền núi Lồ Suối Tủng mà đồng bào dân tộc hay họp chợ gọi là Sa Pả (bãi cát) và phát âm theo kiếu không dấu là Sa Pa. Do không khí mát mẻ, trong lành, họ xây dựng một khu điều dưỡng vào năm 1909, sau đó khoảng 300 biệt thự mọc lên. Nhiều biệt thự dáng vẻ đa dạng đẹp đẽ này bị phá từ cuộc tiêu thổ kháng chiến chống Pháp và bị tiêu hủy gần như hoàn toàn trong cuộc chiến tranh biên giới 1979, hàng ngàn hécta rừng thông bao phủ thị trấn cũng bị đốt sạch. Sa Pa ngày nay đổi thay chỉ sau thời đổi mới 1990 trở lại đây.
Nhận phòng xong, chúng tôi đi thăm Thác Bạc, cách thị trấn chừng 10km. Thác Bạc có độ cao hơn 200m, là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Từ trên khe núi cao, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xóa như những đóa hoa. Khu du lịch Thác Bạc có hai đường lên xuống tách biệt, đường lên ở phía bên phải, đến lưng chừng thác, du khách sẽ đi qua một chiếc cầu để sang phần bên trái. Chúng tôi trở xuống chân thác thì mưa rơi nhẹ. Cả đám tạt vào các lều bán đồ lưu niệm, bán nước uống.
Buổi chiều, chúng tôi đi thăm làng Cát Cát. Làng Cát Cát là một làng dân tộc H’Mông hình thành từ giữa thế kỷ 19, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau. Các cháu bé năm ba tuổi với áo váy hoa văn dân tộc đang chơi đùa vui vẻ, lễ phép chào khách. Nhà thơ Lê Thị Kim lấy trong túi xách ra mấy gói bánh kẹo cho các cháu. Trên thửa ruộng bậc thang bùn nhão, một người đàn ông đang giục trâu bừa. Chúng tôi sà vào các quán bán đồ lưu niệm. Hàng hóa mẫu mã bắt mắt, đặc biệt những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa và muông thú. Các tấm vải bông, vải lanh, nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng, đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong.
Ở làng Cát Cát, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc hay bằng đồng, nhôm cũng là một trong những nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu đời và đã tạo ra những sản phẩm khá tinh xảo. Các cô gái H’Mông đang tiếp khách Tây, nói tiếng Anh dẻo quẹo. Chúng tôi băng qua chiếc cầu treo dây cáp văng thăm thác. Thác Cát Cát, còn gọi thác Tiên Sa, là một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng nhất Sa Pa. Ở đây, có nhà máy thủy điện, xây từ những năm 20 của thế kỷ trước, đến nay vẫn chạy tốt, có một công viên nho nhỏ cho khách giải lao. Rất nhiều khách châu Âu tấp nập lại qua, nở cười thân thiện và các em bé H’Mông liến thoắng nói tiếng Anh với phát âm khá tốt. Không khí thật yên bình, sảng khoái…
Sa Pa còn nhiều cảnh đẹp nữa như cầu Mây là một di tích lịch sử của người dân tộc, cổng Trời là điểm cao nhất mà đường bộ có thể đi tới để đứng ngắm đỉnh Phanxipan, rừng Trúc, động Tả Phìn, bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa… Đêm, chúng tôi ra xem chợ tình nổi tiếng, nhưng chợ chỉ còn trong… cõi nhớ. Nhớ khi tôi đến Sa Pa lần đầu thời bao cấp, sáng sớm đến nhà thờ đón các cô gái Mèo lặng lẽ hiện ra từ những nẻo đường mù sương, đeo quanh cổ những xâu nấm hương xỏ lạt như đeo chuỗi hạt quý, để… mua nấm hương!
Sáng hôm sau, theo chương trình, chúng tôi sẽ thăm núi Hàm Rồng. Tôi đã xem nhiều ảnh chụp thị trấn Sa Pa rất đẹp nhìn từ núi Hàm Rồng. Hàm Rồng là nơi trồng rất nhiều loại hoa: vườn lan tự nhiên, vườn châu Âu, rừng hoa đào... Điểm cuối cùng là đỉnh Hàm Rồng được bố trí như một đài quan sát, từ đây có thể phóng tầm mắt thu toàn bộ thị trấn, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Người như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân, hoa rực rỡ mặt đất.
Sa Pa hôm nay không còn lặng lẽ mà dập dìu khách du lịch đến từ bốn phương, mỗi năm hơn triệu lượt. Sa Pa rực rỡ sắc màu trên trang phục các cô gái H’Mông, Dao. Sa Pa rộn rã lời chào hàng bằng tiếng Anh của các em bé dân tộc. Sa Pa tấp nập bạn bè…
TRẦN THANH GIAO