Rộng cửa điều trị cho bệnh nhân HIV

Rộng cửa điều trị cho bệnh nhân HIV

Với tính chất đặc thù và nhạy cảm, những người nhiễm HIV lâu nay chỉ được khu trú điều trị tại những đơn vị chuyên biệt, tập trung chủ yếu ở các cơ sở điều trị thuốc ARV. Tuy nhiên, hiện các cơ sở điều trị ARV cũng quá tải và kiến nghị đưa về các bệnh viện đa khoa san sẻ.

Rộng cửa điều trị cho bệnh nhân HIV ảnh 1

Hệ thống xét nghiệm máu hiện đại tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM phát hiện sớm nhiều trường hợp nhiễm HIV. Ảnh: NGỌC TRƯƠNG

Quá tải

Mặc dù các năm qua, số người nhiễm HIV tại TPHCM có giảm sau những biện pháp đã triển khai quyết liệt, tuy nhiên theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, con số người nhiễm vẫn ở mức cao và đang có xu hướng tăng trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. “Đến nay, toàn thành phố đã phát hiện 41.000 người nhiễm HIV, trong đó 25.000 người được chăm sóc điều trị và hiện nay các cơ sở đã gần như quá tải”, ông Hưng cho biết. Với  31 cơ sở điều trị ARV, TPHCM đặt mục tiêu giảm bớt gánh nặng bệnh tật cũng như chi phí cho người bệnh. “Đa số là gia đình nghèo, khả năng chi trả cho các dịch vụ trên còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận điều trị và sự tuân thủ điều trị liên tục, khó khống chế được tình trạng kháng thuốc”, ông Hưng chia sẻ.

Số lượng bệnh nhân HIV gia tăng đang là thách thức lớn cho công tác điều trị. Theo bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chánh Văn phòng Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM, với một số lượng lớn người nhiễm HIV được dung nạp thêm, chắc chắn các cơ sở điều trị ARV hiện nay sẽ không thể nào đáp ứng. Một trung tâm điều trị ARV đáp ứng khoảng 700 - 800 bệnh nhân, nhưng hiện một số cơ sở tại quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, số lượng người bệnh đến đăng ký điều trị lên tới trên 1.500, có nơi lên đến hơn 1.800 bệnh nhân. “Nếu đạt mục tiêu thu hút được 90% người nhiễm HIV vào điều trị ARV thì các cơ sở hiện nay sẽ không thể nào kham nổi”, bác sĩ Thu Vân nhìn nhận. Theo phân tích của bà Vân, đến  năm 2017, ước lượng số người nhiễm HIV của thành phố là trên 51.000 người. Nếu thực hiện mục tiêu đưa  90% người nhiễm HIV vào điều trị ARV thì sẽ có khoảng trên 46.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV. Như vậy, TPHCM phải dung nạp thêm gần 15.000 người nhiễm HIV nữa vào điều trị ARV. “Theo dự kiến, 2 năm tới TPHCM sẽ nâng số cơ sở điều trị ngoại trú ARV lên 60 trung tâm, nhưng con số bệnh nhân cần điều trị cũng sẽ lên khoảng 44.000 ca. Lại tiếp tục quá tải!”, bác sĩ Vân lo ngại.

Là bệnh mãn tính, được điều trị tại bệnh viện

Để giải quyết khó khăn trên, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, bắt đầu từ năm 2016, TPHCM sẽ đề nghị các bệnh viện đa khoa tuyến quận huyện cùng các cơ sở y tế tư nhân, trại giam tham gia vào công tác điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, để đưa người nhiễm HIV vào các bệnh viện đa khoa điều trị, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải xem HIV là một căn bệnh mạn tính, không xem đó bệnh đặc thù. “Nếu cứ xem người nhiễm HIV là bệnh ghê gớm này nọ thì sẽ tạo ra một sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV, rất khó để đưa vào điều trị tại các bệnh viện”, một chuyên gia Cục Phòng chống HIV/AIDS góp ý. Còn theo bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, trong thời gian tới, việc thông tin giáo dục truyền thông về căn bệnh HIV sẽ được thay đổi. “Ngoài tăng cường hệ thống thông tin, truyền thông, tổ chức chính trị xã hội các cấp cũng đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng, Ủy ban Phòng chống AIDS sẽ xây dựng các tài liệu truyền thông đa dạng với các thông điệp phù hợp. Thông điệp truyền thông đến người dân về căn bệnh này không còn là căn bệnh thế kỷ, bệnh không có thuốc chữa mà chỉ xem đây là căn bệnh mạn tính”, bác sĩ Vân nói. Do đó, bác sĩ Thu Vân đề nghị, ngành y tế nên xem xét việc xét nghiệm HIV như xét nghiệm thường quy, đồng thời phải tập huấn cho cán bộ y tế cách trả kết quả khi phát hiện dương tính. Ông Nguyễn Hữu Hưng cũng mong muốn cần mở rộng hơn nữa việc thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nhiễm HIV. Bên cạnh đó, bệnh nhân nhiễm HIV cần được cung cấp ARV qua bảo hiểm y tế, thay vì cho toa bệnh nhân tự mua thuốc như hiện nay.

Theo Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM, thay vì được cấp phát thuốc ARV kháng virus HIV điều trị miễn phí như trước, nay bệnh nhân sẽ phải chi trả phần lớn chi phí điều trị do nguồn viện trợ bị cắt giảm. Ước tính một bệnh nhân mỗi ngày sẽ phải chi trả từ 12.000 đồng đến 24.000 đồng. Trước việc bị cắt viện trợ và để duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được, thành phố đã quyết định phê duyệt đề án “Thí điểm điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV bằng phương thức xã hội hóa giai đoạn 2014 - 2018”. Theo đó, người bệnh tham gia điều trị tự nguyện sẽ phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh hàng tháng, chi phí sử dụng thuốc kháng HIV và các loại xét nghiệm nằm ngoài sự hỗ trợ của nhà nước và nguồn viện trợ (nếu có). Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để cắt giảm chi phí, Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM  buộc phải cắt giảm biên chế. Dự kiến từ nay đến năm 2020, đơn vị sẽ cắt giảm 10% biên chế so với hiện tại. Do đó, nhân lực để phục vụ cho công tác phòng chống AIDS sẽ giảm đáng kể.

Trước những khó khăn đó, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết, hiện nay có khoảng 30% bệnh nhân HIV điều trị ARV có bảo hiểm y tế. Do đó, cần tăng cường hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Ngoài ra, mặc dù HIV đã được xem là loại bệnh mạn tính, nhưng để đưa bệnh nhân nhiễm HIV vào cơ sở điều trị cùng các bệnh lý khác sẽ là vấn đề không đơn giản bởi sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng vẫn còn rất nặng nề. Cho nên, công tác truyền thông có vai trò trọng yếu để thay đổi nhận thức, thái độ về người nhiễm HIV.

Theo Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2015, trên toàn thành phố phát hiện 765 trường hợp nhiễm mới HIV, 450 trường hợp chuyển sang AIDS, 100 trường hợp tử vong vì HIV/AIDS. Hiện tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ giới đang gia tăng, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục (58%) vượt mức lây nhiễm qua đường máu.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục