Rủi ro ký kết hợp đồng - Sai một li, “đi” bạc tỷ

 Thiếu hiểu biết pháp luật, do không được tư vấn pháp lý, nên không ít doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại, khó khăn đáng kể khi có tranh chấp thương mại xảy ra. Đáng tiếc nhất là có nhiều trường hợp bị rủi ro, bất lợi do chính các điều khoản mà các DN ký kết với nhau. Làm sao để phòng tránh rủi ro này?

Thỏa thuận nước đôi, không rõ ràng

Bà Nguyễn Ngọc Duy Mỹ (Văn phòng Luật sư TriLaw) chia sẻ, một tình huống mà các nhà tư vấn pháp lý thường gặp đó là nội dung hợp đồng ghi “khi có tranh chấp xảy ra thì sẽ được giải quyết bởi tòa án hoặc trọng tài”. Điều khoản này là vô nghĩa, vì DN không được chọn cả 2 cơ chế giải quyết tranh chấp này cùng một lúc. Ngoài ra, nếu chọn trọng tài thì phải xác định rõ ràng là trung tâm trọng tài nào.

Hiện nay, trên website của các trung tâm trọng tài đều có các điều khoản trọng tài mẫu. Nếu chọn trung tâm nào thì chỉ cần sao chép điều khoản mẫu của họ đưa vào trong hợp đồng. Ngoài ra, cũng có trường hợp, hợp đồng ghi: “Nếu có tranh chấp xảy ra thì giải quyết tranh chấp ở trọng tài. Nếu các bên không thống nhất với phán quyết của trọng tài thì đưa vụ tranh chấp ra giải quyết ở tòa án”. Thỏa thuận này cũng vô giá trị, vì phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm.

Một khi thỏa thuận của các bên không có giá trị, rủi ro chồng chất rủi ro. Ví dụ như trường hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) từ chối giải quyết vụ tranh chấp giữa một công ty Đài Loan với chi nhánh một công ty Việt Nam tại TP Vũng Tàu. Lý do từ chối: trong điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp của hợp đồng, tên của tổ chức trọng tài này đã không được ghi rõ một cách cụ thể, chỉ ghi chung chung rằng “nếu có tranh chấp sẽ nhờ trọng tài Việt Nam giải quyết”. Sau đó, do mất nhiều thời gian để nhờ trọng tài phân xử, nhưng vẫn không được chấp nhận, cuối cùng vụ việc được đưa ra tòa án thì bị đình chỉ vì đã quá thời hiệu khởi kiện. Thiệt hại cho mỗi bên là khoảng 100.000 USD.

Hoặc một trường hợp khác, đó là hai công ty có hợp đồng về xây dựng, trị giá 6,1 tỷ đồng. Khi có tranh chấp, nguyên đơn đưa vụ việc ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Thương mại TPHCM (TRACENT). TRACENT đã ra phán quyết chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn 4,1 tỷ đồng và chịu phí trọng tài 186 triệu đồng. Không đồng ý với phán quyết này, công ty bị đơn yêu cầu tòa án hủy và phán quyết đã bị tòa án hủy. Lý do là: hợp đồng ghi rằng “tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua Trọng tài Kinh tế TPHCM”, mà thực tế Trọng tài kinh tế TPHCM là trực thuộc Trọng tài kinh tế Nhà nước, đã chấm dứt hoạt động từ năm 1994 mà không có tổ chức nào kế thừa. Khi đó, các bên phải thỏa thuận lại tổ chức trọng tài giải quyết. Nếu không thỏa thuận được thì nguyên đơn mới có quyền lựa chọn tổ chức trọng tài. Tuy nhiên, trong hồ sơ thể hiện cũng như tại phiên họp, các bên đều xác nhận là chưa từng thỏa thuận được về việc lựa chọn tổ chức trọng tài.

Do đó, để hạn chế rắc rối sau này khi có tranh chấp xảy ra, DN nên chủ động đưa điều khoản giải quyết tranh chấp vào hợp đồng. Trong đó, nên xác định rõ muốn giải quyết tại trung tâm trọng tài thương mại nào, trong nước hay quốc tế, tên cụ thể của trung tâm đó. Cẩn thận hơn, DN nên tham khảo ý kiến đội ngũ pháp chế của công ty (nếu có) hoặc luật sư khi soạn thảo hợp đồng.

Doanh nghiệp nên thận trọng

Hiện nay, ở nước ta, có nhiều trung tâm trọng tài với đội ngũ trọng tài viên có chuyên môn sâu thuộc nhiều lĩnh vực. Phán quyết của trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành mà không cần thủ tục công nhận và thi hành bởi Tòa án. Phán quyết trọng tài cũng có thể được thi hành tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Công ước New York năm 1958 tùy theo thủ tục của từng thành viên Công ước. Điều này cũng rất có lợi cho các DN muốn lựa chọn trọng tài Việt Nam để giải quyết tranh chấp với những giao dịch cùng đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, cần thận trọng khi đồng ý chọn trọng tài nước ngoài. Thực tế, DN có thể thỏa thuận nếu tranh chấp xảy ra thì giải quyết tại trọng tài Singapore, Canada, Thụy Sĩ… nhưng sau này, khi có tranh chấp xảy ra, việc giải quyết tranh chấp tại nước ngoài sẽ có rất nhiều khó khăn cho DN, nhất là đối với DN nhỏ và vừa, từ việc hao tốn vé máy bay khứ hồi, chi phí ăn ở, phiên dịch, cho đến việc phải theo thủ tục tố tụng của họ, thuê luật sư bên nước sở tại…

Trường hợp của Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) là một kinh nghiệm tham khảo. Công ty bị trọng tài Thụy Sĩ buộc thanh toán gần nửa triệu USD cho Công ty Kyunggi Silk - Hàn Quốc, trong một vụ tranh chấp kéo dài suốt 3 năm. Riêng phí trọng tài, Viseri phải trả gần 40.000 USD. Một trong những nguyên nhân dẫn đến con số thiệt hại trên là do các bên chọn trọng tài Thụy Sĩ để giải quyết tranh chấp mà tại thời điểm ký hợp đồng, Viseri chưa lường hết mọi khó khăn. Không chỉ mất thời gian, tiền bạc, mà Viseri còn không có đủ điều kiện trình bày, cung cấp chứng cứ vì không hiểu pháp luật, không thể cung cấp những gì mà trọng tài Geneva yêu cầu khi giải quyết vụ kiện. Do đó, tùy vào thực tế DN và quan hệ giữa hai bên mà DN cần cân nhắc điều này.

 

Tin cùng chuyên mục