Bút ký

Rừng đêm Cát Tiên

Rừng đêm Cát Tiên

Theo hướng Dầu Giây đi Đà Lạt, đến ngã ba Tà Lài, chúng tôi rẽ trái vài chục cây số nữa và bị sông Đồng Nai ngăn lại. Bến sông thoáng đãng, gió hiu hiu đưa hơi mát dòng sông và “mùi rừng cấm” bên kia sông, mùi hoang sơ, tinh khiết. Lúc sau, một con phà nhỏ thủng thẳng như chẳng có gì phải vội vã, êm đềm khua nước sang đón chúng tôi. Bao nhiêu gấp gáp bon chen – kể cả xe hơi – thôi thì bỏ lại...

Suối Bến Cự trong sương sáng ban mai. Ảnh: HOÀNG QUAN

Suối Bến Cự trong sương sáng ban mai. Ảnh: HOÀNG QUAN

Trước văn phòng Ban quản lý khu du lịch có tấm bản đồ lớn, nhưng ít người xem kỹ, người ta quay lưng lại nó để... chụp hình có chữ Vườn quốc gia Cát Tiên! Đây là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Chúng tôi theo người hướng dẫn “chui” vào rừng. Con đường mòn phủ đầy lá. Nắng loang loáng tầng tầng lớp lớp trên các tán cây. Lá khô rụng đầy đất. Không khí dịu êm, mát mẻ. Có tiếng chim ríu rít đâu đây.

Vùng đất này còn giữ được nguyên vẹn tính tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài sinh vật rất quý hiếm có tên trong Sách đỏ như bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấm, nai... Các loài chim của Cát Tiên cũng phong phú đa dạng: đại bàng đen, vịt trời cánh trắng, chim mỏ sừng lớn...

Tôi biết mình khó lòng gặp được chúng nên bằng lòng lắng nghe tiếng vượn hú xa xa... Cảnh quan ở đây vừa có đồi vừa có bãi ven sông, vừa có trảng rộng lớn bằng phẳng, lại có các dòng suối chảy dốc, vào mùa mưa trở thành các dòng thác chảy xiết, tung bọt trắng xóa. Nếu muốn, bạn có thể đến thác Cự tắm mát ban trưa... Còn nếu thích nữa thì có thể vào rừng nguyên sinh, theo hướng Cát Lộc (Lâm Đồng) khám phá các di tích văn hóa cổ xưa có Linga và Yoni bằng đá.

Tôi để ý tìm xem có chùm phong lan nào trên đường đi vì tôi đọc tư liệu thấy nói Cát Tiên có tới 62 loài lan. Hoa lan hầu như có tất cả các màu trong cầu vồng và những kết hợp của các màu đó. Hoa lan nhỏ nhất chỉ bằng hạt gạo trong khi hoa lan lớn nhất có đường kính khoảng 1m. Nhưng chẳng thấy lan đâu.

Phải chăng các hãng du lịch nên cho bày một số phong lan lạ trên đường đi để hút khách, cả các loài nấm như nấm pín lưới và nấm phát quang vừa được phát hiện ở Nam Cát Tiên, hai loại nấm này vừa là thực phẩm vừa là dược phẩm. Mọi người cắm cúi theo hướng dẫn viên đi xem cây bằng lăng cổ thụ 6 ngọn, cây gõ ông Đồng, cây tùng khổng lồ, cây thiên tuế cả ngàn năm tuổi... Quả là những cây quý, lạ, rất đáng xem, nhưng đó là lộ trình du lịch vạch sẵn cho người chỉ đến một lần, lần sau sẽ chán...

Cây bằng lăng sáu ngọn trong rừng Nam Cát Tiên. Ảnh: Đ.X.M.

Cây bằng lăng sáu ngọn trong rừng Nam Cát Tiên. Ảnh: Đ.X.M.

8 giờ tối, chúng tôi háo hức rủ nhau leo lên thùng xe “đặc chủng” đi xem rừng đêm. Trên nóc ca-bin xe gắn một ngọn đèn pha có thể xoay được. Xe từ từ lăn bánh trên con đường trải nhựa xuyên rừng. Gió đêm thổi mát. Rừng đêm yên tĩnh lạ thường, chỉ có tiếng gió đùa lá rì rào. Thỉnh thoảng có tiếng mang tác xa xa làm mọi người trên xe chộn rộn. Người hướng dẫn bật đèn pha khi xe tiến dần vào vùng lõi.

Cả cuộc sống rừng đêm hiện ra, rộn ràng mà yên tĩnh, bình thường mà rất... thần tiên. Những ngọn tre đu đưa, gà gật. Những dây leo thân gỗ to đùng, có cái bằng bắp đùi, ôm vòng, siết chặt những thân cổ thụ, nhựa từ lòng đất như dâng ứ, đầy căng...

Từ những bụi cây thâm thấp, mấy đốm lửa hồng hiện ra, im lìm, không động cựa. Đèn pha dừng quét, soi rõ dần mấy chú nai tơ, đốm hồng là cặp mắt nai, ngây thơ, ngơ ngác. Tiếng một cô gái xuýt xoa: “Đẹp quá!”. “Suỵt. Cứ sống cùng rừng, bạn ơi...”. Xe im lặng đi. Mấy đốm lửa hồng nữa, gần bên ven đường, xa trong bụi rậm. Bỗng xe dừng lại. Giữa đường tráng nhựa, heo rừng mẹ nằm duỗi chân cho đàn con bú mớm. Bú xong, chúng chạy lăng xăng đùa giỡn.

Trên xe, người không nói, chỉ nắm tay nhau... Chúng tôi mong nhưng biết rằng chẳng dễ gì có dịp may mà gặp được những chim, thú đặc trưng của vườn Cát Tiên, có khi chỉ còn gặp chúng trong mơ, trong… sách.
 

TRẦN THANH GIAO

Tin cùng chuyên mục