Rừng người biển nước

Không hiểu vì sao câu chuyện cổ tích Sơn Tinh - Thủy Tinh lại cứ luôn thiên vị một người. Đó là ông thần chiến thắng Sơn Tinh. Hình như người xưa đã biết bênh vực tuyệt đối không gian sống của mình. Hay ao ước như vậy? Xét về thiệt hại thì không phải như thế. Sơn Tinh luôn tổn thất lớn mỗi lần Thủy Tinh nổi giận. Những chiến binh tôm cá thuồng luồng của Thủy Tinh chỉ mất một lượng nhỏ làm thức ăn cho đối thủ. Cục diện chiến tranh đã chứng tỏ mỗi lần Thủy Tinh dâng nước thì Sơn Tinh chỉ có mỗi cách mang bầu đoàn muông thú bỏ chạy lên núi cao. Chiến thắng của Sơn Tinh là nhờ vào phòng thủ. Chưa bao giờ ông ấy có thể dùng đất đai rừng núi và nhân lực của mình tấn công biển cả.

Mình từ bé đến giờ sống trong một “rừng người” ở Hà Nội. Trải qua khá nhiều trận mưa khủng khiếp gây lụt lội khắp phố phường. Cái “rừng người” mình sống đã nhiều phen biến thành biển nước. Người Hà Nội cho đến tận hôm nay vẫn có thể mang màn cũ, vợt câu cá và chậu thau ra đánh bắt trên những con phố có tên vài danh nhân lỗi lạc. Trôi, mè, trắm, chép, đủ cả. Rán giòn, nấu canh chua và kho mặn. Tất nhiên lũ ấy không phải là quân tướng của Thủy Tinh mà chỉ là cá nuôi ở các ao hồ sổng ra. Nước lụt Hà Nội không phải là thứ làm phiền lòng tất cả mọi người. Và cuối cùng thì Hà Nội vẫn thắng. Nước phải rút như từ thời Sơn Tinh vẫn thế.

Hà Nội mỗi năm có thêm hàng trăm khu nhà cao tầng mọc lên. Cứ đi ra các cửa ô bây giờ là thấy ngơ ngẩn xốn xang chót vót những chọc trời. Những hàng cây loi thoi núp dưới bóng nhà. Những bãi cỏ xanh non dưới chân cầu vượt và đường cao tốc vành đai. Thế nhưng cái trạm bơm Yên Sở 90m3 nước một giây đã hoạt động hết công suất từ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội 2010 thì chưa được nâng cấp. Hy vọng về một tầm nhìn thoát nước lâu dài cho thủ đô có lẽ đã dừng lại chỉ sau hơn nghìn ngày. Và Hà Nội vẫn ngập lụt khi lượng mưa quá 100mm. Người ta giải thích như thế. Chẳng cần giải thích thì xưa nay vẫn thế.

Người Hà Nội chưa bao giờ chịu khuất phục thiên nhiên. Đầu những năm 70 thế kỷ trước, vừa mới đi sơ tán về, một bộ phận lớn dân cư ngoài đê sông Hồng của Hà Nội năm nào cũng bị lụt lội. Người ta đóng thuyền sắt chở thuê bà con lên mặt đê dựng lều lánh nạn. Có đám bốc vác đầu cầu Long Biên còn nghĩ ra dịch vụ cõng người. Một nửa tiền thân của xe ôm sau này. Ở công đoạn ôm. Có cô em xấu gái chưa chồng ngoài ấy chẳng có việc gì một ngày cũng vào phố đến năm lượt. Bây giờ thì những dịch vụ lụt lội trong thành phố còn phong phú hơn rất nhiều. Lau bugi ngấm nước, dốc ống xả xe máy, đẩy ô tô chết máy, chở cả người và xe máy qua quãng lội bằng xe cải tiến. Không ai phải xắn quần như cái thời Đàn bà đến đó vén quần lên/ Chỗ thời đến háng, chỗ đến gối (Vũng lội đường ngang - Nguyễn Khuyến). Lại có những sáng kiến kỳ lạ. Buộc chân vào hai chiếc ghế nhựa như đôi guốc bốn gót cao nửa mét. Lênh khênh mà đi. Đẩy chiếc bồn tắm cũ ra làm thuyền đưa trẻ con đến lớp, ghép nhiều vỏ chai nước khoáng làm bè vượt phố. Tha hồ đi lại an toàn bởi đã có công nhân thoát nước mặc áo mưa vàng đứng canh bên miệng những nắp cống mở.

Ngắm bức ảnh người Pháp chụp hồi cuối thế kỷ XIX vẫn thấy con đường đất nhỏ đi qua tháp Hòa Phong chia đôi hồ Hoàn Kiếm. Lúc ấy hồ Hoàn Kiếm vẫn còn là hai hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Giờ thì hồ Hữu Vọng đã thành những khu phố sầm uất bên phía đường Đinh Tiên Hoàng. Hà Nội mất đi hồ chứa nước tự nhiên đầu tiên như thế. Và lần lượt những hồ nước tự nhiên khác cũng nhỏ dần hoặc biến mất. Những tưởng đó là lần đầu tiên Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh bằng cách tấn công. Nhưng không. Thủy Tinh vẫn thỉnh thoảng nở những nụ cười mênh mang sóng nước trên khắp phố phường. Có lẽ mối bất hòa giữa các ngài mới thật sự là “muôn năm”…

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục