Rừng Tây Nguyên sau lệnh đóng cửa vẫn bị tàn phá

Mặc dù Chính phủ đã có “lệnh” đóng cửa rừng từ giữa năm 2016, nhưng nhiều diện tích rừng tự nhiên thuộc Tiểu khu 1528, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông giáp với tỉnh Bình Phước đến nay vẫn bị các đối tượng ngang nhiên chặt phá giữa “thanh thiên bạch nhật”… 
Gỗ được xẻ nằm ngổn ngang chờ đưa ra khỏi rừng Ảnh: HOÀNG BẮC
Gỗ được xẻ nằm ngổn ngang chờ đưa ra khỏi rừng Ảnh: HOÀNG BẮC
Ngang nhiên phá rừng

Sáng sớm một ngày cuối tháng Giêng, từ thị xã Đồng Xoài theo quốc lộ 14, chạy xe máy gần 100km, chúng tôi đến xã Đắk Nhau (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), nhưng để tiếp cận cửa rừng thuộc Tiểu khu 1528, chúng tôi còn phải vượt qua 15km đường rừng ngoằn ngoèo bị xẻ toang, những gò đất đá lởm chởm mới đến được khu vực rừng đang bị phá. Các hộ dân trong vùng cho hay, vào mùa mưa, đường đất sình lầy, giao thông chia cắt, không thể vào được khu vực này.

Trong vai những người đi làm rẫy, chúng tôi nhanh chóng vượt qua chốt kiểm lâm tại bến Đắk Dên, xã Quảng Trực, tiếp tục lội bộ qua một con suối lớn đang mùa khô cạn và nhiều đoạn dốc khoảng 5km, để có mặt tại Tiểu khu 1528. Ghi nhận tại hiện trường, quanh khu vực các lô 6, 8, 10 thuộc khoảnh 3, Tiểu khu 1528, có gần 6ha rừng bị chặt phá. Cả khu rừng tan hoang với hàng trăm thân cây lớn nhỏ đổ gãy do bị cưa, vết cắt còn mới. Tiếp tục lội bộ, chúng tôi phát hiện hàng chục thân gỗ lớn của cây cày, vàng dè… nhiều năm tuổi với đường kính gần 1m, cao gần 30m đã bị cưa hạ, trơ gốc. Gỗ rừng cũng đã được chuyển đi nơi khác bằng xe tải. Khắp khu vực rừng bị phá có tới 4-5 bãi gỗ đã được xẻ thành khúc, nằm ngổn ngang chờ chở ra ngoài. Bên cạnh đó, những cây gỗ nhỏ hơn cũng bị đốn ngã không chút thương tiếc.
 
Chỉ tay vào một gốc cây vừa bị cắt, chị Đỗ Thị Nhung (40 tuổi, ngụ xã Quảng Trực) bức xúc: “Ngày 6-12-2017, trong lúc đi làm rẫy, tôi phát hiện các đối tượng cưa cắt rừng tự nhiên ngay gần chòi canh của Công ty Kiến trúc mới nên đã trình báo. Đến ngày 15-1-2018, cơ quan chức năng mới vào hiện trường kiểm tra và thống kê số lượng cây bị hạ. Khi bị “đánh động” các đối tượng đã ngừng khai thác và chở gỗ ra ngoài”. 

Thủ phạm và đường đi của gỗ rừng

Diện tích rừng bị phá nằm lọt trong vùng quy hoạch dự án của Công ty Kiến trúc mới. Cách khu vực rừng bị phá chừng 200km có khoảng 4-5 ngôi nhà lợp tôn, cũng là nơi ở của nhân viên Công ty Kiến trúc mới, để trông coi rừng.  Các đối tượng muốn đưa xe chở gỗ vượt qua cửa rừng phải đi qua hàng chục chòi canh và “tai mắt” của nhân viên công ty này. Thế nhưng, cả khu vực đã biến thành nơi tập kết gỗ của các đối tượng trước khi đưa ra ngoài cửa rừng.
Theo biên bản kiểm tra mới nhất của Đoàn 12, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông về việc phát dọn khu vực quanh lô cao su của Công ty Kiến trúc mới, ghi nhận: Tổng diện tích đã phát dọn là 5,85ha thuộc các lô 6, 8,10 khoảnh 3, thuộc Tiểu khu 1528 do Công ty Kiến trúc mới quản lý, mức độ thiệt hại là 90%. Các cây gỗ có đường kính 10-40cm chưa bị hạ, nhưng nhiều cây gỗ đường kính 60-70cm đã bị hạ và đưa gỗ dời khỏi hiện trường. Đặc biệt, đoàn kiểm tra khẳng định, chưa phát hiện được đối tượng phá rừng!
 Theo các hộ dân trong vùng, việc phá rừng diễn ra cả ngày lẫn đêm, thời điểm đưa gỗ ra ngoài cửa rừng vào khoảng từ 18-24 giờ. Vào lúc cao điểm, mỗi ngày có đến 2 chuyến xe chở gỗ mà không hề bị lực lượng chức năng phát hiện. Mỗi chuyến thường có 4-5 đối tượng mặt mày bặm trợn đi theo áp tải. Dĩ nhiên, người dân trong vùng không ai dám cản trở. Anh Triệu Văn Muộn (30 tuổi, ngụ xã Quảng Trực) khẳng định: “Ngang nhiên phá rừng như vậy ngoài người của Công ty Kiến trúc mới, chẳng ai dám vào khu vực này”.  Khối lượng gỗ sau khi bị “xẻ thịt” sẽ được đưa lên xe tải, chuyển ra ngoài theo 2 con đường chính: một là con đường từ điểm phá rừng đến bến Đắk Zên, xã Quảng Trực ra xã Đắk Nhau (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước); hai là con đường đi qua Công ty Long Sơn (thuộc xã Quảng Trực) về tới xã Đắk Nhau. Từ đây, các xe tải chở gỗ đưa đến các nhà máy chế biến để bán kiếm lời. Điều đáng nói, đường đi của gỗ qua bến Đắk Zên có điểm chốt chặn kiểm lâm, nhưng không hiểu sao xe chở gỗ vẫn ung dung qua lại? Thậm chí, các đối tượng đã phá tan hoang gần 6ha rừng mà lực lượng chức năng không hề hay biết, chỉ đến khi người dân trình báo mới đến hiện trường ghi nhận vụ việc. Làm trái chỉ đạo của Chính phủ? Tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khi hậu giai đoạn 2016 - 2020, tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột vào tháng 6-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả các dự án đã phê duyệt mà chưa triển khai, trừ các dự án liên quan quốc phòng an ninh quan trọng; không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt, rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp và không để lợi dụng chủ trương nhằm trước hết phá rừng, chuyển thành rừng nghèo, rồi nói là rừng nghèo, cần chuyển đổi rồi phá rừng tiếp. Tháng 12-2008, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định thu hồi 1.678ha đất của Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên giao cho Công ty Kiến trúc mới để triển khai dự án trồng rừng kinh tế. Tổng diện tích 1.678ha của khu đất thuộc các khoảnh 1, 2, 4 Tiểu khu 1534 và toàn bộ Tiểu khu 1528 của Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Như vậy, bất chấp lệnh đóng cửa rừng của người đứng đầu Chính phủ, diện tích rừng tự nhiên do công ty này quản lý vẫn đang bị chặt phá.

Tin cùng chuyên mục