Rượu ơi, ai chế ra mày…

Dặm dài đất nước, đâu đâu cũng có những loại rượu trắng mà dân nhậu thường gọi là rượu đế, là “nước mắt quê hương”. Rượu đế được nấu bằng nếp hoặc gạo, cũng có khi nấu bằng bắp, khoai mì, đậu xanh... Men rượu được chế từ nhiều loại thảo dược theo bí quyết của từng lò nấu. Nước nấu rượu đong từ mạch nguồn của từng vùng đất. Tất cả tạo ra mùi, vị và dư vị đặc trưng của từng loại rượu.
Rượu ơi, ai chế ra mày…

1. Theo một số người làm nghề nấu rượu lâu năm, cách làm rượu đế thủ công là gạo hoặc nếp nấu thành cơm rồi ủ với men từ 7 đến 10 ngày, sau đó nấu thành rượu. Trung bình 10kg gạo hoặc nếp nấu được một mẻ khoảng 7-8 lít rượu gốc (nồng độ cao) và 5-6 lít rượu ngọn (nồng độ thấp).

Để rượu thơm dịu hơn, người ta cho rượu vào hũ sành rồi chôn xuống đất ít nhất 100 ngày mới đào lên uống. Đây là phương pháp dân gian  khử bớt chất độc andehit trong rượu. Rượu còn được ngâm với đủ thứ thảo mộc, thậm chí với động vật và được gọi là rượu ngâm, rượu thuốc. Dân nhậu tin rằng sau khi uống rượu này vào thì không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc.

Trước đây, các quán nhậu bình dân ở Sài Gòn - TPHCM đong rượu bằng chai xá xị, dung tích mỗi chai 250ml, gọi tắt là xị. Như vậy 1 lít rượu đong ra 4 xị. “Đô” rượu được “đo” qua câu vè: “1 xị mở mang trí tuệ/ 2 xị giải phá cơn sầu/ 3 xị chẳng thấm vào đâu/ 4 xị mới chảy mép râu/ 5 xị nằm đâu ngủ đó/ 6 xị cho chó ăn chè (ói mửa)/ 7 xị đem về cạo gió”.

Đời sống xã hội ngày càng phát triển, người dân ngày càng ý thức được tác hại của rượu, vì thế những lò nấu rượu ngày càng teo tóp, những thương hiệu rượu truyền thống đình đám một thời như San Lùng (Lào Cai), Nà Hang (Tuyên Quang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Bó Nậm (Bắc Kạn), Đỗ Xá (Hải Dương), Làng Vân (Bắc Ninh), Văn Điển (Hà Nội), Kim Sơn (Ninh Bình), Đức Thọ (Hà Tĩnh), Kim Long (Quảng Trị), Ô Lâu (Thừa Thiên - Huế), Hồng Đào (Quảng Nam), Bầu Đá (Bình Định), Gò Đen (Long An), Củ Chi (TPHCM), Lò Lu (TP Thủ Đức, TPHCM), Bến Gỗ (Đồng Nai), Phú Lễ (Bến Tre), Xuân Thạnh (Trà Vinh)…, dần nhạt phai, cũng là điều dễ hiểu.

2. Một khi uống rượu, “tửu nhập ngôn xuất” - rượu vào lời ra, là chuyện bình thường. Nhưng “lời ra” đó phần nào phản ánh tính cách, tâm trạng, lối suy nghĩ của người uống nó. Dân nhậu bình phẩm rằng những người uống từ đầu đến cuối cuộc rượu mà lời lẽ thanh cao, phong thái ung dung tự tại, thì có thể xếp vào hàng “tiên tửu”. Còn uống rượu vào mà nói năng văng mạng, cử chỉ thô lỗ, hay gây gổ, đánh nhau, thì xếp vào loại “tục tửu”...

Khi chén rượu, khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên
...
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau
...
Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Một số nhà Kiều học đã khảo cứu rằng trong các truyện Nôm hữu danh và khuyết danh, các văn tế, khúc ngâm thời trung đại ở Việt Nam thì Truyện Kiều có tổng số lần/câu thơ nói về rượu và uống rượu nhiều nhất: 28/3.254 câu. “Có lẽ bởi cái khác, điểm hơn hẳn các tác giả truyện thơ Nôm đương thời của Nguyễn Du là ở chỗ, trong Truyện Kiều, cụ khai thác chủ đề rượu và uống rượu không chỉ với mục đích phục vụ nghi lễ, tiêu sầu, mua vui, bày tỏ tình yêu, lòng biết ơn, hay làm nhục, trả thù… mà chủ yếu là, tại những tình huống ấy, rượu - uống rượu góp phần thể hiện chân thực, sâu sắc thế giới nội tâm, diễn biến tâm trạng của các nhân vật tham gia, những mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài của họ và giữa họ với nhau, với đời, với số phận…góp phần tạo thành những bi - hài kịch lớn, nhỏ mà chính họ cùng với rượu đã trở thành những diễn viên xuất sắc dưới bàn tay đạo diễn thiên tài Nguyễn Tố Như” (Rượu trong Truyện Kiều, Khảo luận của Đường Văn - Hoàng Dân).


3. Chợt nhớ một quán rượu dân tộc ở Hà Nội mà chúng tôi từng được nhạc sĩ Phó Đức Phương đưa đến cách nay gần 20 năm, trên vách quán ai đó nguệch ngoạc: “Rượu ơi, ai chế ra mày/ Để cho mày lại chế mày thành tao”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người quảng giao, hay ngồi quán bù khú với các “chiến hữu”, nhưng anh uống có chừng mực, luôn nói cười điềm đạm, duyên mà sâu. Khi cao hứng, anh còn gõ bàn hát những tác phẩm mà anh đã trao cho mọi người: Hồ trên núi, Những cô gái quan họ, Chảy đi sông ơi, Về quê, Trên đỉnh Phù Vân, Mái chèo thiên thu, Không thể và có thể... Những năm gần đây, anh thường hát mấy bài tửu ca do anh sáng tác hoặc sưu tầm đâu đó. Anh gõ nhẹ ngón tay lên bàn lóc cóc, lốc khốc, rồi cắm mặt xuống bàn hát:

Tắng tặng tằng
Đã bảo rồi
Uống làm gì
Cái thằng đếch uống được thì nó lại cứ mời
Mà thằng uống được thì nó lại đếch mời
Tắng tặng tằng...


Qua một đời phiêu bạt, người nhạc sĩ tài hoa gửi gắm tâm tình:

“Thôi trút đi gánh nặng đường xa, ngược xuôi bôn ba/ Nay ta về nhà ta/ Đường trần quá hẹp, lắm vực nhiều khe/ Nhà ta mênh mông, trăng tràn bốn bề/ Rượu đôi ba ly, uống cạn cái chữ tình/ Xoay đất trời về thuở bình minh/ Gạt đi âu lo, những đợi những chờ/ Giong cánh buồm cho thuyền lộng gió/ Còn chờ gì nữa, hãy tỉnh lại thôi…”. Có lẽ đây là ca khúc cuối cùng của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Anh giã biệt cõi tạm vào mùa thu 2020, ở tuổi 76.

Ngày xuân nói chuyện rượu và uống rượu thì dài dòng lắm. Chỉ nhắc rằng, “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi”, thì dù uống rượu gì, kiểu gì, “tiên tửu” hay “tục tửu”, đều phải nhớ lời của các thầy thuốc: Lạm dụng rượu bia sẽ sinh ra các bệnh lý liên quan đến gan, dạ dày, tim mạch, rối loạn tâm thần, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc..., có thể dẫn đến tử vong!

Tin cùng chuyên mục