Rút ngắn khoảng cách

Vừa qua, tại buổi làm việc giữa Sở GD-ĐT TPHCM, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) và đại diện ban giám hiệu đến từ 14 trường tiểu học trên địa bàn các quận 8, Bình Thạnh và huyện Củ Chi về dự án “Đi bộ an toàn” cho học sinh tiểu học, trong khi đại diện các trường ở Bình Thạnh quan tâm về việc sắp xếp thời gian, phân bố tài liệu và hiệu quả tác động của chương trình thì đại diện đến từ các quận 8 và huyện Củ Chi lại bày tỏ lo lắng về công tác tổ chức. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 8 cho biết, do trường ít tổ chức sự kiện lớn nên ngay cả việc bày trí sân khấu, giăng tấm bạt che nắng ở sân trường cũng là bài toán khó. Đối với khu vực ngoại thành, mọi hoạt động trường, lớp đều diễn ra “cây nhà lá vườn” trên nền đất xi măng. Học sinh một buổi đi học, buổi còn lại bươn chải cùng gia đình kiếm sống, cái nắng cái gió đã trở thành một phần máu thịt của các em. Vì vậy, khi đề cập đến việc mua bạt che nắng ở sân trường, nhiều phụ huynh đã lắc đầu cho đó là nhu cầu không cần thiết.

Trước đó, khi đến tham dự hội thảo “Triển khai áp dụng tinh thần mô hình trường học mới VNEN vào trường tiểu học tại TPHCM”, người viết đã chứng kiến ánh mắt ngơ ngác, thái độ rụt rè trong từng cái cúi đầu, chào hỏi của học sinh Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi). Khi đoàn khảo sát dự giờ một tiết học mẫu tại đây, trong phần nêu cảm nghĩ sau buổi học, các em đều bày tỏ sự bất ngờ, hân hoan vì đây là lần đầu tiên trường đón một đoàn công tác đông và rầm rộ đến như thế.

Lần khác, trong một hoạt động trao tặng nón bảo hiểm cho học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) do Sở GD-ĐT phối hợp cùng Quỹ Phòng chống thương vong châu Á thực hiện, đoàn đại biểu đã lặng người khi nhìn thấy cảnh học sinh xếp hàng xin chữ ký từng người trong đoàn công tác. Khi một em học sinh tiến đến xin chữ ký, tôi đã buột miệng hỏi: “Con có biết chính xác tên tuổi, chức vụ của người mình vừa xin chữ ký?”. Em học sinh này hồn nhiên trả lời: “Thưa cô, con không biết. Nhưng hiếm có dịp các thầy cô về trường con đông vui như vậy nên tụi con rủ nhau xin chữ ký làm kỷ niệm thôi ạ”. Có chút gì đó như nghẹn lại trong lòng những người có mặt tại buổi lễ hôm ấy. Nếu đổi lại, hoạt động diễn ra tại một trường tiểu học ở khu vực nội thành, chắc chắn sẽ không có cảnh mừng vui ríu rít, không có chuyện học sinh xếp thành hàng dọc xin chữ ký những người mà ngay chính bản thân các em cũng không biết đó là ai. Thế mới thấy, nhu cầu được gặp gỡ, giao lưu đối với học sinh ngoại thành bức thiết đến dường nào.

Ngoài việc chăm sóc quyền lợi học tập cho các em, giáo dục TPHCM nên quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống tinh thần, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập giữa học sinh nội thành và học sinh ngoại thành. Trong đó, một số kế hoạch về ưu tiên xây dựng trường lớp, thư viện, nhà văn hóa cần được gấp rút triển khai. Chỉ khi làm được như thế, khoảng cách chênh lệch giữa học sinh hai khu vực mới có thể được rút ngắn.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục