Sắc thái trên vùng nông thôn mới

Biến sỏi đá thành cơm
Sắc thái trên vùng nông thôn mới

Là những địa phương đầu tiên trên cả nước về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu năm mới 2015, bộ mặt vùng nông thôn của thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đang đổi thay từng ngày.

Những vườn tiêu được mùa ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai.

Biến sỏi đá thành cơm

Vượt một chặng đường khoảng 50km, chúng tôi về xã Hàng Gòn - địa phương đầu tiên của thị xã Long Khánh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào một ngày giữa tháng Chạp. Hơn hẳn mọi năm, xã  Hàng Gòn hôm nay đã “lên đời”. Ai đó đi xa, nay có dịp về lại quê ăn tết sẽ dễ dàng cảm nhận sự “lột xác” của một vùng quê: giao thông thông thoáng; cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp; nhà cửa, vườn tược tươm tất…

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi vừa được xây dựng từ đầu năm 2014, ông Nguyễn Tình niềm nở mời khách ăn những quả chôm chôm ngọt lịm vừa hái trong vườn nhà. Trong câu chuyện, ông Nguyễn Tình hồ hởi khoe về thu nhập “khủng” gần 150 triệu đồng từ vườn sầu riêng trong vụ mùa 2014 và vườn chôm chôm trĩu nặng quả chờ thu hoạch, dự tính thu về hơn 100 triệu đồng...

“So với nhiều gia đình khác, thu nhập của gia đình tôi chưa phải là nhiều. Nhưng đối với tôi, như thế này đã là một giấc mơ rồi. Ngày trước, cái gì cũng thiếu: thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu điện, thiếu nước, thiếu cả đường đi... Giờ thì cuộc sống đã sung túc hơn, gia đình tôi đã có dư chút đỉnh, con cái học hành đàng hoàng, điện đường, trường trạm... được Nhà nước đầu tư đâu ra đó. Phải nói chúng tôi rất vui”, ông Nguyễn Tình hồ hởi khoe.

Rất nhiều nông hộ khác ở thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc cũng đã từng bước vượt qua cái nghèo và nay có cuộc sống sung túc hơn. Ngoài việc thu nhập của bản thân và gia đình, nhiều gia đình không ngại đóng góp đất đai, vườn tược để làm đường giao thông, phục vụ lợi ích chung của xã hội. Điển hình như trường hợp của bà Dương Thị Thu, nông dân xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), đã hiến hơn 500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Nhờ con đường này, hàng hóa của người dân làm ra được vận chuyển dễ dàng hơn, người dân được lựa chọn cách thức mua bán, trao đổi với thương lái, không còn tình trạng bị ép giá. Bà Dương Thị Thu chia sẻ: “Nông dân ở xã tôi đang giàu lên từng ngày nhờ cây hồ tiêu. Vì vậy khi cán bộ xã kêu gọi đóng góp xây dựng nông thôn mới, bà con vui vẻ hưởng ứng ngay”.

Xóa xã nghèo

 

* Đến nay, thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc là hai địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nhờ thành tích cải thiện cuộc sống người dân nông thôn, thể hiện qua mức tăng thu nhập bình quân đầu người; trong đó, huyện Xuân Lộc đạt 37,6 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3 lần so với năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7%, hiện còn 1%); thị xã Long Khánh đạt 38,6 triệu đồng/người/năm (tăng 2,13 lần so với năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh hiện còn dưới 1%).

 

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Đồng Nai có 37 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 54 xã đạt 19/19 tiêu chí, đang chờ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt gần 20% so với mục tiêu đề ra vào năm 2015. Ông Nguyễn Văn Nải, Bí thư Thị ủy Long Khánh cho biết, hiện địa phương hầu như đã hết hộ nghèo, 80% hộ dân đạt khá, giàu. Bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và trồng những cây đặc sản cho thu nhập cao. Ngoài ra, nhiều cánh đồng từng bỏ hoang vào vụ đông - xuân vì thiếu nước tưới, nay đã được phủ xanh bằng hàng trăm hécta cây bắp cao sản. Trước đây, thu nhập nông dân ở mức 50 - 60 triệu đồng/năm/ha thì nay đã lên 200 - 300 triệu đồng/năm/ha. Đời sống người dân được nâng cao, nguồn lực đóng góp xây dựng nông thôn mới cũng dồi dào.

Đối với huyện Xuân Lộc, phong trào xã hội hóa làm đường giao thông nông thôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của các tầng lớp nhân dân, từ đóng góp tiền của, công lao động đến hiến đất làm đường. Trong số trên 12.700 tỷ đồng được huyện Xuân Lộc sử dụng xây dựng nông thôn mới (từ năm 2009 đến nay), ngân sách của địa phương đầu tư khoảng 1.635 tỷ đồng, còn lại trên 11.000 tỷ đồng do người dân và doanh nghiệp đóng góp.

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Với phương châm: “Sức dân có mạnh thì mới có nguồn lực để đóng góp xây dựng nông thôn mới”, thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc đã dồn lực đầu tư đồng bộ cho khu vực nông thôn, từ chuẩn hóa cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn... Trong đó, vấn đề được quan tâm hàng đầu là nâng cao thu nhập cho nông dân bằng chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất...

Xuân về trăm hoa đua nở, nông thôn ngày mới xanh - sạch - đẹp từ nhà ra ngõ. Đến với thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc hôm nay là đến với khung cảnh thanh bình, hương đồng gió nội, hân hoan sắc thái năm hết, tết đến.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục