Vào một buổi sớm mai ngày cuối năm, chúng tôi đi dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ thượng nguồn bắt đầu tại quận Tân Bình, tiếp nối qua các quận 1, 3, Phú Nhuận, và cuối cùng là khu vực Thị Nghè, Bình Thạnh trước khi đổ ra sông Sài Gòn với chiều dài 8,7km. Dòng kênh có những đoạn uốn quanh tuyệt đẹp, in dáng hình thành phố lung linh trên mặt nước, hình ảnh mà bao nhiêu năm rồi chưa hề có trên dòng kênh Nhiêu Lộc.
Những giọt sương mai long lanh còn đọng trên những đóa hoa tươi thắm nở rộ trên thảm cỏ xanh mượt mà, càng làm cho dòng kênh thêm duyên dáng, xinh đẹp. Tiếng chuông chùa ngân nga sâu lắng từ ngôi cổ tự Vạn Thọ trầm mặc bên đường Hoàng Sa hòa cùng tiếng kinh từ chùa Nam Tông Chandaranxay lan tỏa trên mặt nước, thấp thoáng những dề lục bình trôi tản mạn, lay động lòng ai đang nhẹ bước trên lối bộ hành có những chùm đèn hoa trang trí trang nhã nghiêng mình soi bóng dưới dòng kênh vừa thay da đổi thịt, như mặc vào chiếc áo mới mừng đón mùa xuân về. Bên này đường Trường Sa, bên kia dòng kênh là đường Hoàng Sa, hai quần đảo của Tổ quốc mang tên hai con đường. Trong lòng thành phố có Hoàng Sa - Trường Sa, như người thành phố vẫn hướng về vùng biển đảo tuy xa xôi mà vẫn ở trong lòng.
Hai con đường có thể nói đẹp nhất thành phố, một bên nhà phố khang trang, sạch đẹp; một bên thảm cỏ chập chùng với hoa tươi và rợp bóng cây, thay thế cho những ngôi nhà ổ chuột, lụp xụp, nghèo khổ. Để rồi sáng sáng chiều chiều, dập dìu bước chân người lui tới tập thể dục, hít thở không khí trong lành, trẻ con chạy nhảy tung tăng vui đùa. Có những cụ già ra đây hóng mát, ông dìu bà đi những bước chân yếu đuối vừa mới bình phục sau cơn tai biến. Mối tình già sưởi ấm bên dòng kênh Nhiêu Lộc. Tiếng còi tàu vang xa trong sương mai inh ỏi, như nỗi lòng người đi xa về thành phố vui phút giây phút tương phùng.
Trong tiếng chuông thẩm sâu ấy, cũng như trong tiếng xình xịch của đoàn tàu đi về sớm tối, đã trở nên thân quen quá đỗi, tôi ngỡ trong từng âm sắc như rộn rã hơn, ngân nga hơn, cũng như lòng người thành phố rộn ràng niềm vui hơn khi hình ảnh một dòng kênh Nhiêu Lộc, một dòng kênh mà ai đã từng sống và gắn bó với thành phố thân yêu này, trong lòng làm sao không chút bồi hồi luyến tiếc cho một dòng kênh có làn nước trong xanh mà những năm tháng tuổi thơ đã đắm mình bơi lội, thả câu, giăng lưới.
Vậy mà theo thời gian cùng với sự vô tình của con người, kênh Nhiêu Lộc đã trở thành dòng kênh đầy rác rưởi và dơ bẩn nhất thành phố. Từ giai đoạn năm 1993 - 1998 thành phố đã tiến hành chỉnh trang dòng kênh bằng phương án giải tỏa hơn 7.000 hộ dân với hơn 50.000 người, để tiến hành xây dựng hai con đường Trường Sa, Hoàng Sa như hôm nay. Đến năm 2003, dự án “Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè” được thực hiện bằng vốn vay 317 triệu USD của Ngân hàng Thế giới với các hạng mục: Nạo vét bùn dưới lòng kênh, lắp đặt tuyến cống bao dài khoảng 70km… Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong dự án quan trọng đầu tiên của thành phố mang ý nghĩa phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội...
Dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thực sự hồi sinh. Hãy giữ cho dòng kênh thân yêu này luôn mang chiếc áo mới .
Bóng dáng mùa xuân đã về trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Nguyễn Tường Lộc