Sách đoạt Giải thưởng Sách quốc gia chưa lan tỏa mạnh do quá hàn lâm?

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách quốc gia, Giám đốc NXB Văn học nêu vấn đề, phải chăng sách đoạt giải chưa được lan tỏa mạnh, chưa tạo được tác động mạnh đến với độc giả bởi phần lớn các cuốn sách, công trình được trao chưa có nhiều sách đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đông đảo độc giả.
Quang cảnh hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách quốc gia
Quang cảnh hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách quốc gia

Ngày 28-10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ TT-TT, Hội Xuất bản tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách quốc gia.

Theo đó, qua 5 mùa giải, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid- 19 nhưng Giải thưởng Sách quốc gia vẫn được tổ chức liên tục, không gián đoạn với 139 cuốn sách xuất sắc được trao giải. 

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, qua từng năm, Giải thưởng Sách quốc gia đã bao quát được các mảng của xuất bản Việt Nam, đáp ứng được tính đa dạng trong các lĩnh vực; sách dự giải có chất lượng ngày một tốt, đóng góp của các tác giả ngày một lớn.

Những cuốn sách được trao giải đều có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận hoặc giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực.

Trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, Giải thưởng Sách quốc gia đã trao thưởng cho nhiều bộ sách, công trình nghiên cứu đồ sộ; những công trình văn hóa khảo cứu công phu...

Trong mảng sách văn hóa, văn học nghệ thuật, Giải thưởng Sách quốc gia đã trao cho nhiều cuốn sách, bộ sách có nội dung là các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích như: Tinh hoa văn hóa xứ Thanh của Hoàng Tuấn Phổ, Hùng Binh của Đặng Ngọc Hưng, Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng...

Cùng đó, nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi cũng được vinh danh như: Chang hoang dã - Gấu của hai tác giả trẻ Trang Nguyễn và Jeet Zdung; Chuyện của anh em nhà Mem và Kya của tác giả Nguyễn Quang Thiều, Kim Duẩn (vẽ, minh họa)...

Bên cạnh việc tổng kết những thành tựu đã được, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra cần phải đầu tư nhiều hơn để lan tỏa giá trị của những tác phẩm được xét và trao giải.
Liên quan tới nội dung này, PGS-TS Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam cho rằng cần phải tìm cách tái bản các bộ sách quý đến với người đọc một cách dễ dàng.
"Thực tế có nhiều cuốn sách, bộ sách quý nhưng người nghiên cứu, bạn đọc lại không thể tiếp cận, những giá trị tốt của sách không đến được với công chúng, không phát huy được giá trị bởi đó là sách làm để biếu, không bán", PGS-TS Nguyễn Đức Cường thẳng thắn chỉ rõ.

Cùng chia sẻ những trăn trở về việc lan tỏa những cuốn sách, bộ sách được giải thưởng Sách quốc gia tôn vinh, bà Lệ Chi, Công ty Chibooks cũng cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi để sách đoạt giải được giới thiệu, phát hành rộng hơn không chỉ trong nước mà còn có thể đưa sách Việt Nam vượt qua biên giới, giới thiệu đến với bạn đọc quốc tế. 

Tại hội nghị, TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cũng nêu câu hỏi: Phải chăng sách đoạt giải chưa được lan tỏa mạnh, chưa tạo được tác động mạnh đến với độc giả bởi phần lớn các cuốn sách, công trình được trao giải đều là những công trình hàn lâm, chuyên sâu? Chưa có nhiều sách đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đông đảo độc giả?
TS Nguyễn Anh Vũ cũng đồng tình với đề xuất về việc nên có thêm giải thưởng cho những cuốn sách dịch ra tiếng nước ngoài để khích lệ sự lan tỏa sách của Việt Nam ra với thế giới.

Tin cùng chuyên mục