(SGGP).- Sáng 26-5, tại Khách sạn Rex TPHCM, Hội đồng Kỷ lục châu Á và kỷ lục Việt Nam tổ chức trao bằng xác lập kỷ lục châu Á và kỷ lục Việt Nam (ảnh). Đây là lần trao kỷ lục châu Á đầu tiên tại Việt Nam.
Đến dự có ông BisWaroop Roy Chowdhury, Tổng Giám đốc kỷ lục châu Á; ông Tanya Phonanan, Giám đốc tổ chức kỷ lục Thái Lan; ông Danys, Giám đốc kỷ lục Campuchia; ông Trịnh Thúc Huỳnh, đại diện tổ chức kỷ lục Lào; ông Lê Trần Trường An, Giám đốc kỷ lục Việt Nam và các kỷ lục gia Việt Nam, cùng Hội đồng Tư vấn kỷ lục gia Việt Nam và đại diện các ban ngành thành phố trong cả nước.
Tổng Giám đốc kỷ lục châu Á, ông BisWaroop Roy Chowdhury, trao tặng bằng kỷ lục châu Á - người sở hữu sách độc bản lớn nhất cho Giáo sư Hoàng Quang Thuận cùng đồng tác giả nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn, người viết thư pháp tập thơ và nhiếp ảnh gia Phạm Chung Tú minh họa các bài thơ bằng ảnh.
Cuốn sách Thi Vân Yên Tử dày 300 trang, nặng đến 120kg, có kích thước 125cm x 80cm x 16cm, các trang ruột bằng giấy đặc biệt của Hồng Công phủ một lớp laminate để bảo vệ. Thi Vân Yên tử gồm 143 bài thơ của Giáo sư Hoàng Quang Thuận viết về dòng thiền Yên Tử từ năm 1997 nơi vua Trần Nhân Tông hơn 700 năm trước, sau khi đại thắng Nguyên Mông trở về Yên Tử tu hành lập nên thiền phái Trúc Lâm.
Cùng được trao bằng xác lập kỷ lục châu Á lần này còn có 9 kỷ lục khác: em Bùi Ngọc Thịnh, khiếm thị, cậu bé chơi nhiều nhạc cụ nhất; kỷ lục chùa đồng Yên Tử nặng 70 tấn trên độ cao 1.068m so với mặt biển; kỷ lục tượng Chúa Kytô Vũng Tàu cao 32m, ở độ cao 176m; tượng Phật Thích Ca nặng 100 tấn, cao 10m, ở chùa Bái Đính - Ninh Bình; kỷ lục tượng Quan Thế Âm bằng hoa lớn nhất ở Đà Lạt.
Ngoài ra còn có 3 địa danh đạt kỷ lục châu Á: Địa đạo nổi tiếng Củ Chi dài nhất, hệ thống nhà tù Côn Đảo - một di tích lịch sử lớn nhất, động Thiên Đường khô dài nhất châu Á ở Quảng Bình.
P.V.