Sách kinh tế : Khủng hoảng thừa và thiếu

Loạn sách dạy làm giàu thời thượng
Sách kinh tế : Khủng hoảng thừa và thiếu

Trong những năm gần đây, khi Việt Nam bước vào hội nhập, đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin, kiến thức về thị trường của các doanh nghiệp, mảng sách kinh tế đã khởi sắc. Đến nay, trên thị trường loại sách này “trăm hoa đua nở”, từ chuyện dạy người ta cách kiếm tiền, quản lý tiền sao cho hiệu quả đến việc ứng xử có văn hóa với đồng tiền. Thế nhưng, mảng sách kinh tế đang rơi vào nghịch cảnh: thừa ê hề và thiếu trầm trọng.

Loạn sách dạy làm giàu thời thượng

Đến bất kỳ nhà sách nào, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sách kinh tế được trưng bày ở những vị trí trang trọng và thực tế là chúng luôn đắt khách. Nhìn vào tên sách, chắc nhiều người sẽ có cảm giác hưng phấn khi được những nhà làm sách dạy rằng ai cũng có tài thiên bẩm là kiếm tiền. Thì đấy, hết Dạy con làm giàu, Quản lý ngân sách, lại đến Chiến lược kinh doanh hiệu quả, Kỹ năng ra quyết định, Bí quyết đầu tư và Kinh doanh chứng khoán của các tỷ phú Warren Buffet & George Soros... cuốn nào cũng dày cộp, trình bày bắt mắt. Nhưng, tỉ mẩn lật giở từng trang sách, chắc nhiều người sẽ có chung ý nghĩ như tôi: Lấy đâu ra tiền mà quản lý đồng tiền? Quả vậy, hầu hết các cuốn sách viết về kinh tế hiện nay đều đề cập đến những vấn đề to tát: quản lý khủng hoảng, huấn luyện và truyền kinh nghiệm, phương cách lãnh đạo… chứ rất ít cuốn dạy người ta đường đi nước bước cụ thể của bước khởi nghiệp: chọn nghề phù hợp, vay vốn, sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm...

Sách kinh tế : Khủng hoảng thừa và thiếu ảnh 1

Bạn đọc phải lựa chọn lựa thông tin giữa một rừng sách kinh tế như hiện nay. Ảnh: C.T.V.

Những tủ sách kinh tế của các NXB, các công ty sách được quảng cáo ấn tượng với những lời lẽ hoa mỹ. Công ty A. đàn sáo văn chương về bức tranh Kỵ binh tấn công của danh họa Theodore Gericault (1791-1824): trong bức tranh đầu của người kỵ binh hơi cúi xuống đất và quay lại phía sau, trong khi đáng lý ra phải hướng thẳng về phía trước.

Người ta tán tụng đủ kiểu: thành công không chỉ  do dám “tiến lên” mà còn bởi biết “nhìn lại”. Hành động và tư duy hòa quyện làm một là chìa khóa của thành công” để giới thiệu bộ sách Thư viện doanh nghiệp là “những cuốn sách hay nhất, nổi tiếng nhất và mới nhất của thế giới về các lĩnh vực quản trị kinh doanh được tập hợp lại thành một thư viện đầy đủ”.

Công ty B. thì quảng cáo cho cuốn sách Bí quyết Đầu tư và Kinh doanh Chứng khoán của các tỷ phú Warren Buffet & George Soros kiểu một tấc lên trời: “Warren Buffett và George Soros đều khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, và họ cùng làm nên những gia tài trị giá hàng chục tỷ đô la chỉ bằng hoạt động đầu tư”.

Mảng sách kinh tế cũng có một phần không nhỏ những đầu sách do các tác giả mê truyện Tàu ngồi cải biên, tán tụng chuyện của các nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung), 36 kế trong Tôn tử binh pháp (Tôn Vũ) thành những bài học kinh doanh. Thậm chí, người ta không ngần ngại ca ngợi cả thói xu nịnh của Hòa Thân, sự gian manh của Lã Bất Vi để dạy các lãnh đạo doanh nghiệp… những chiêu thức giành thắng lợi trong cuộc đấu đá quyền lực. Cuốn 36 mưu kế và xử thế (Mã Sâm Lượng) thì được người ta rút tỉa rồi bình kiểu sặc mùi tử khí. Chẳng hạn, ở kế 23 “Giết gà răn khỉ”, người biên soạn Đ.H. sau khi tầm chương trích cú: “Nước Tề có một bậc hiền nhân tên là Cuồng Duệ, sống trong vùng rất được lòng dân. Khương Thái Công biết tên muốn mời ông này ra làm việc, đến thăm nhà 3 lần thì cả 3 lần đều bị đóng cửa không tiếp. Khương Thái Công đột nhiên đem giết Cuồng Duệ đi” thì bình luận: “Quả nhiên là qua cái giết đó, những người dửng dưng với nhà Chu thôi không còn dám tỏ ra thanh cao mà ở ẩn nữa”. Nêu sự việc và kết luận như thế để dạy người ta những mánh lới trong thương trường thì không thể chấp nhận được.

Thi thoảng có những cuốn đề cập đến một nghề cụ thể thì đó cũng là những nghề không phải ai cũng phù hợp như: kế toán, PR, CEO… Thế nên, nói thị trường sách kinh tế hiện nay khủng hoảng thiếu trong khủng hoảng thừa, rằng nhìn vào những đầu sách, người ta chỉ thấy sách dành cho sếp chứ không thấy sách dành cho quân là vì lẽ ấy.

Nông dân đói sách

Trong sự chuyển động hỗn độn của thị trường sách kinh tế, những đơn vị làm sách, muốn tạo dấu ấn thì phải có chiêu thức độc đáo. Với Alpha Books, Giám đốc Nguyễn Cảnh Bình và các cộng sự, ngoài việc tìm mua bản quyền những cuốn sách best-seller trên thế giới: Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực (Daniel Yergin), Đô la hay lá nho? (Charles Wheelan), Chiến lược đại dương xanh (Philip Kotler và Michael Porter)… dịch và hiệu đính cẩn thận bởi hội đồng cố vấn là những nhà kinh tế học tên tuổi. Họ còn có chiến lược tiếp thị đến tận các doanh nghiệp, các trung tâm đào tạo: Honda, Hoàng Trà, UNICOM, BRAINWORK… để bán cả tủ sách (được phân chia theo các chủ đề: Chiến lược và tầm nhìn, Lãnh đạo và quản lý, Gương doanh nhân và tập đoàn, Tinh thần và văn hóa kinh doanh, Marketing và bán hàng, Nhân sự và tuyển dụng, Đầu tư bất động sản, Đầu tư chứng khoán, Công nghệ và quy trình, Tri thức kinh tế xã hội) chứ không bán nhỏ lẻ qua hệ thống nhà sách.

Bên cạnh đó, công ty còn xây dựng thương hiệu bằng cách tham gia, đồng tổ chức, tài trợ các hội thảo kinh doanh, các khóa đào tạo... để nắm bắt nhu cầu độc giả cũng như truyền tải thông điệp của mình. Người làm sách có hệ thống, người có nhu cầu xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã gặp nhau, tạo nên sự khác biệt trong lĩnh vực sách quản trị kinh doanh.

Thế nhưng, nông dân nước ta chiếm hơn 80% dân số, đây cũng là những người khao khát làm giàu và mày mò ra nhiều chiêu thức làm giàu nhất nhưng lại thiếu sách hướng dẫn cụ thể. Thì đấy, danh sách những tỷ phú nông dân, những nhà khoa học chân đất chẳng mỗi ngày một dài đó sao. Nếu những tỷ phú nấm Phan Công Minh (Đà Nẵng), vua diệt chuột Trần Quang Thiều (Hà Nội), vua bò, dê Vàng Mí Cơ (Hà Giang)… nếu được khơi gợi, hướng dẫn và đầu tư để viết sách kể kinh nghiệm làm ăn của mình thì nông dân cả nước có một tủ sách đồ sộ. Lúc ấy, các nhà nông học, những cán bộ Hội Nông dân chỉ còn phải làm việc điều tiết sự phát triển của các ngành nghề ấy ở mỗi địa bàn thì vừa chấm dứt được cảnh nông dân đói sách, dò dẫm tìm phương thức phát triển kinh tế, vừa tránh được cảnh làm ăn theo phong trào.

Sách viết về kinh tế đang thừa mứa ở thành thị và khan hiếm ở nông thôn bởi các đơn vị xuất bản đang mải chạy theo những thứ hào nhoáng.

Thảo Lư

Tin cùng chuyên mục