Sách lậu tràn lan do quản lý kém

Chống sách lậu: Đèn cù chạy vòng quanh
Sách lậu tràn lan do quản lý kém

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản kiêm Chủ tịch Hiệp hội xuất bản Việt Nam trong một hội nghị chống in lậu vừa được tổ chức tại TPHCM. Lời khẳng định này cũng đồng thời báo hiệu một giai đoạn mới chống sách lậu sắp bắt đầu.

Một vụ bắt sách lậu lớn tại TPHCM tạo được sự chú ý của giới làm sách. Ảnh: T.V.

Một vụ bắt sách lậu lớn tại TPHCM tạo được sự chú ý của giới làm sách. Ảnh: T.V.

Chống sách lậu: Đèn cù chạy vòng quanh

Nếu tính thời điểm Công ước Berne bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 10-2004, cuộc chiến chống sách lậu đã đi được một hành trình dài. Đáng tiếc, hành trình đó lại là một vòng tròn và hiện nay, những người làm sách chân chính đang quay lại đúng chỗ của 6 năm về trước. Còn nhớ, khi đó những người làm sách chân chính nô nức lao vào thực hiện những bản sách chất lượng cao, cả về nội dung lẫn hình thức. Lúc ấy ai cũng nghĩ rằng thời mà “nhà nhà làm sách lậu” đã kết thúc. Thế nhưng, sự thật phũ phàng là đến nay sách lậu vẫn sống và phát triển mạnh mẽ, bản lậu của những cuốn sách mới liên tục được tung ra.

Khi đó các đơn vị làm sách chân chính đã chủ động tham gia vào hành trình chống sách lậu, mở đầu là những buổi họp báo công bố sách lậu rầm rộ từ Nam ra Bắc. Những người làm sách rất “máu lửa” chống sách lậu. NXB Trẻ cử người theo dõi từ nhà sách đến chỗ in sách, đóng giả khách mua sỉ để đột nhập vào nhà in lấy bằng chứng, từ đó cung cấp đến báo chí chi tiết tên người làm sách lậu, chỗ bán, điểm in… NXB Kim Đồng thì cử nhân viên theo dõi ở nhà sách đang bán sách lậu để giữ hiện trường rồi báo công an đến kiểm tra.

Đỉnh điểm là những vụ chống sách lậu giống trong phim hình sự, như vụ theo dõi trùm sách lậu Nguyễn Hữu Chiến (Chiến “vẩu) ở Thái Nguyên. Khi đó, người làm sách từ TPHCM ra Bắc, sát cánh cùng công an bí mật bám theo đối tượng, đánh lạc hướng, tư vấn nghiệp vụ hỗ trợ công an... Bên cạnh đó, các đơn vị làm sách còn thực hiện các biện pháp như giảm giá sách gần bằng sách lậu đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng sách, nâng cao kỹ thuật in, làm sách với thời gian nhanh nhất để đưa sách ra cùng lúc với thế giới…

Thế nhưng, sách lậu vẫn tiếp tục hoành hành. Cùng với sự phát triển của nhu cầu đọc nơi người dân, sách lậu ngày càng phát triển mạnh hơn, trắng trợn hơn, đến mức mà Giám đốc NXB Trẻ khi giới thiệu tác phẩm ăn khách nhất của đơn vị mình cho báo chí phải thòng thêm câu: “Đừng công bố kẻo sách lậu nhảy vào thì sách thật ế mất!”. Những người chống sách lậu bắt đầu đuối sức dần, xuất hiện tâm lý buông xuôi “sống chung với lũ”, như tuyên bố của ông Phạm Sỹ Sáu, Trưởng ban Bản quyền NXB Trẻ; hay sự tức giận của ông Giám đốc Thái Hà Book - Nguyễn Mạnh Hùng: “Sách lậu giết cả nền văn hóa đọc”…

Giải pháp: xử phạt nghiêm

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật khiến cho việc sao chép sách gốc trở nên dễ dàng. Hiện nay, nhiều đầu nậu sách lậu đã xây dựng được cả một hệ thống khép kín từ sao chép, chế bản, in, hoàn thiện, phát hành… Như trường hợp Nhà sách Quỳnh Mai, Nhà in Hoa Mai của ông Lương Vĩnh Kim bị phát hiện vào đầu năm 2010. Kỹ thuật cao khiến rất khó nhận biết sách lậu và sách thật, thậm chí ngay tem chống giả cũng bị in giả như thật. Việc chống sách lậu bằng cách in sách thật chất lượng cao trở nên thiếu hiệu quả.

Có lúc, người làm sách chân chính còn định chống sách lậu bằng các chính sách về giá. Tuy nhiên,  phương thức này đã không hiệu quả, sách lậu ngoài chi phí in ấn thì không tốn thêm đồng nào, nên dù giảm giá cách nào sách thật cũng không thể cạnh tranh nổi. Thậm chí còn xảy ra hiện tượng... sách lậu bán trên thị trường còn đắt hơn sách thật. Có chuyện ngược đời này là do sách lậu chi phí sản xuất thấp nên chiết khấu cho người bán rất cao, có khi lên đến 50%-60%. Lợi nhuận cao khiến người phát hành chấp nhận bán sách lậu và để tăng thêm lợi nhuận, cánh làm sách lậu cố ý in giá bìa cao hơn sách thật đến 30%-40% để đánh lừa người mua.

Đã vậy, thị trường sách lậu còn có sự góp sức của những người làm sách lậu “nghiệp dư” bằng các phương tiện thủ công như máy photocopy, máy in… First News, một đơn vị khá mạnh trong mảng sách dạy ngoại ngữ từng khẳng định, có đến 70%-80% sách tại các trung tâm ngoại ngữ là sách lậu được làm bằng cách photocopy lại sách thật. Việc chống sách lậu kiểu này rất khó khăn vì sự phổ biến của các phương tiện kỹ thuật.

Tuy nhiên, các đơn vị làm sách chân chính đều thống nhất rằng, lý do chính của việc sách lậu vẫn tồn tại là do việc xử phạt quá nhẹ. Như vụ bắt sách lậu lớn ở Thái Nguyên tốn kém, vất vả mà cuối cùng thủ phạm chỉ bị xử phạt hành chính thì quả khó để răn đe các đầu nậu khác. Ông Phạm Sỹ Sáu mệt mỏi phát biểu: “Theo một vụ sách lậu tốn khoảng 100 triệu đồng mà cuối cùng chỉ xử phạt hành chính thì chẳng thà để tiền đó làm sách còn hay hơn”.

Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Kiểm cho biết việc xử phạt như trên là dựa theo nghị định số 56/2006/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin). Bản thân ông cũng cho rằng, hiện nay việc xử phạt sách lậu như thế là quá nhẹ. Tuy nhiên, để thay đổi luật không chỉ đơn giản dựa vào ý kiến của một vài đơn vị mà cần sự đồng thuận của cả ngành xuất bản, in, phát hành. Chính vì thế, ông Kiểm đề nghị xây dựng “Hiệp hội chống sách lậu” quy tụ tất cả các đơn vị liên quan. Hiệp hội sẽ có trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ các vấn đề về luật, hỗ trợ nhau các thông tin về chống sách lậu…

Sau thất bại của hoạt động chống sách lậu vừa qua, việc trông chờ vào sự nghiêm minh của pháp luật đang là hy vọng cuối cùng của những người làm sách. Nhưng trước đó, chính bản thân người làm sách chân chính cũng cần đoàn kết lại để hy vọng sẽ sớm thành hiện thực.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục