Sách nhập khẩu giá quá cao

Xuất nhập vòng vèo
Sách nhập khẩu giá quá cao

Trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế thì  sách, nguồn mang lại tri thức cho người dân, cần được hỗ trợ. Giá sách trong nước vẫn còn cao nhưng việc tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành thông qua hình thức in gia công sách nước ngoài ngay trong nước lại gặp phải khó khăn vì thủ tục.

Giá sách ngoại văn, sách nhập khẩu vẫn còn quá cao.

Giá sách ngoại văn, sách nhập khẩu vẫn còn quá cao.

Xuất nhập vòng vèo

NXB Cengage Learning (Mỹ) vừa rầm rộ giới thiệu với bạn đọc, đặc biệt là sinh viên các trường kinh tế, cuốn giáo trình Tài chính quốc tế với những ưu điểm đặc biệt như trình bày theo phương pháp giáo trình giảng dạy của các trường ĐH thế giới, cập nhật những kiến thức thực tế nhất về tình hình tài chính quốc tế hiện nay, nhấn mạnh những đặc trưng kinh tế thế giới như vấn đề khủng hoảng kinh tế, suy thoái địa ốc, nợ công… Sách được in bằng tiếng Việt tạo thuận lợi cho sinh viên tiếp thu kiến thức.

Thế nhưng, điểm đáng nói ở cuốn giáo trình này là cách thực hiện hơi lạ: sách gốc được chuyển về trong nước, NXB thuê một đội ngũ dịch thuật chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn gồm các giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM. Bản dịch được chuyển qua Singapore để in ấn, xuất bản. Sau đó, sách được nhập lại vào Việt Nam. Trải qua một quá trình nhập tới xuất lui như thế, kết quả là sách có giá quá cao, lên đến 460.000 đồng/cuốn, rõ ràng gây nhiều khó khăn cho bạn đọc và sinh viên muốn mua sách.

Tại sao đối tác nước ngoài lại không in sách ngay trong nước ta mà phải mang qua nước khác in rồi lại nhập khẩu lại vào nước ta khiến giá thành sách bị đội lên? Về mặt kỹ thuật, ông Lê Văn Tròn, Chủ tịch Hội In TPHCM, khẳng định: “Chất lượng in ấn tại Việt Nam không thua gì các nước trong khu vực, thậm chí nhiều phương diện còn cao hơn”.

Bà Minh Phương, đại diện Sở TT-TT TPHCM, cho rằng vấn đề hiện nay là luật chưa thật sự khuyến khích in gia công cho nước ngoài. Ví dụ như in sách gia công cho nước ngoài, khâu hợp đồng thường làm việc qua email nhưng luật lại bắt buộc phải có hợp đồng trực tiếp. Thời gian đăng ký cũng rất ngắn trong khi việc giao dịch, thương thảo với đối tác ở nước ngoài thường tốn thời gian. Ngay cả việc đăng ký in phải ra tận Hà Nội cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và làm đội chi phí in ấn lên. Chính vì thế, người ta chuyển đi in ở nước ngoài cho thuận tiện. Thế là doanh nghiệp trong nước thất thu trong khi bạn đọc phải gánh giá sách tăng cao. Từ đầu năm đến nay, TPHCM chỉ có 3 doanh nghiệp đăng ký in gia công cho nước ngoài, một con số quá ít ỏi đến đau lòng.

Luật mới liệu có tháo gỡ?

Ông Phạm Minh Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa), cho biết, hiện nay sách nước ngoài vào Việt Nam có hai cách cơ bản. Một là, mua bản quyền, xuất bản trong nước, giá sách gánh thêm giá bản quyền. Hai là, nhập khẩu trực tiếp, giá sách cõng thêm chi phí nhập khẩu. Trong khi đó, còn có một hình thức khác là đối tác nước ngoài in gia công sách tại Việt Nam, sau đó bán trực tiếp cho doanh nghiệp trong nước. Trường hợp này giá sách sẽ rẻ hơn rất nhiều mà đặc biệt là với loại sách giáo trình giảng dạy. Ước tính một cuốn sách nhập khẩu có giá bán khoảng 300.000 đồng, nếu áp dụng hình thức trên sẽ còn khoảng 70.000 - 80.000 đồng.

Thế nhưng, ở dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi vừa được đưa ra mới đây, Điều 35 quy định về in gia công lại ghi rõ, 100% xuất bản phẩm in gia công cho nước ngoài buộc phải xuất. Ngoài ra, các vấn đề về thủ tục cũng không có điểm nào giúp cải tiến, nhanh gọn hóa khâu xin phép in gia công. Đại diện các đơn vị phát hành, quản lý xuất bản ở TPHCM đều cho rằng, luật quá cứng nhắc, khiến cho doanh nghiệp nước ngoài không mặn mà in ở Việt Nam trong khi bạn đọc Việt Nam lại phải mua sách nhập khẩu giá cao.

Ông Phạm Minh Thuận đề xuất, việc in ấn vốn dĩ đã nằm trong quản lý của nhà nước, việc mua bán, thẩm định tác phẩm giữa đối tác và đơn vị phát hành trong nước cũng có quy chế quản lý chặt chẽ. Chỉ cần tuân thủ tốt thì không cần thiết phải thêm các khâu xuất, nhập làm gia tăng chi phí như hiện tại.

Tiếp nhận các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi), bà Võ Thị Dung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết sẽ đưa các ý kiến đóng góp ra trước Quốc hội để thảo luận và quan điểm chung là sẽ vừa đảm bảo đáp ứng quyền lợi chính đáng của bạn đọc, đồng thời đảm bảo sự phát triển của thị trường sách ngày càng chuyên nghiệp, hợp lý.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục