Tại Hội sách TPHCM lần thứ 7 có một cuốn sách bất ngờ lọt vào danh sách 10 tác phẩm ăn khách nhất. Trước đó, chẳng ai nghĩ cuốn sách đó có thể tạo được dấu ấn. Đó là cuốn “Hồi ký Tâm Sida – Vượt lên cái chết” của tác giả Trương Thị Hồng Tâm. Điều này làm dấy lên phong trào đón đọc những cuốn sách tự sự của những con người vượt lên nghịch cảnh.
Từ tuyệt vọng vươn lên
Về cuốn sách của chị Hồng Tâm, một bạn đọc đã viết trên diễn đàn e-thuvien: “Nhiều người bảo đọc cuốn sách này để tránh sai lầm như chị Tâm đã từng phạm phải… Sai lầm của chị khá đặc thù, không phải ai cũng có thể mắc phải. Với lại là sai lầm thì muôn hình vạn trạng, muốn tránh hết cũng khó. Điều quan trọng là khi cầm trên tay cuốn sách, tôi có cảm giác cuốn sách này là minh chứng tiêu biểu nhất của việc vượt lên số phận. Với một người từng ở dưới đáy xã hội như chị, bản thân cuốn sách trở thành minh chứng tiêu biểu nhất cho ý chí vươn lên và thành công. Đấy, tuyệt vọng như chị còn có thể trở lại, vài thất vọng trong cuộc sống của tôi có đáng là gì mà không thể làm lại!”.
Khác với bi kịch của chị Tâm, bi kịch của chị Nguyễn Bích Lan lại thuần túy là thứ mà người ta hay gọi là “số phận”. Sinh năm 1976, lúc 13 tuổi, một cơn bạo bệnh đã tước đi sức khỏe của Bích Lan. Kể từ đó, cuộc sống Lan hoàn toàn thay đổi, thay cho việc đến trường là những ngày tháng đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Thế nhưng Bích Lan ngày ấy không buông xuôi, không chấp nhận bỏ cuộc, không học chính quy được thì Lan mượn sách tiếng Anh của cậu em để tự học. Những tưởng chỉ học để không có cảm giác bất lực nhưng không ai ngờ, từ cuốn sách tiếng Anh đó cùng với một nghị lực phi thường, Nguyễn Bích Lan đã trở thành một dịch giả chuyên nghiệp nổi tiếng. Năm 2010, bản dịch tác phẩm Triệu phú khu ổ chuột của chị đã đoạt giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng lớn nhất về dịch thuật ở Việt Nam.
Thành công nhờ cách thể hiện mới
Thực ra, dòng sách tấm gương thành công không hiếm trên thị trường sách hiện nay. Tuy nhiên, đa số lại là các cuốn sách của các tỷ phú với những tấm gương về làm giàu, kiếm sống. Trong khi đó, nhiều cuốn sách gương vượt khó khác lại vấp phải thói quen thể hiện theo kiểu cũ, quá chú trọng đến bi kịch, đẩy người đọc đến trạng thái nặng nề, u uẩn.
Hồi ký Tâm Sida chính là sự mở màn cho một cách thể hiện khác của dòng sách tấm gương vượt khó. Không kể lể, than thân, không biện minh, giải thích, tác giả cứ như đang kể một câu chuyện người khác, từ từ, nhẹ nhàng nói về những gì mình đã trải qua. Điều đó gây một ấn tượng mạnh với bạn đọc, ấn tượng của bi kịch con người. Không gục ngã của Bích Lan cũng vậy, căn bệnh, những vật vã của ngày đầu cũng không quá nặng nề mà được thể hiện nhẹ nhàng, điểm nhấn chính hướng về kinh nghiệm trong việc học tiếng Anh và tổ chức cuộc sống hợp lý trong hoàn cảnh sức khỏe quá đuối.
Với những cách thể hiện mới, hai tác phẩm trên đã góp phần làm sống động một dòng sách về những tấm gương vượt khó đầy tính nhân văn, mang đến cho văn hóa đọc những tác phẩm đầy ý nghĩa trong cuộc sống bộn bề hôm nay.
| |
TƯỜNG VY