40 năm Sài Gòn - Gia Định mang tên Thành phố Hồ Chí Minh
(LTS).- Tại kỳ họp thứ nhất (diễn ra từ ngày 24-6 đến 3-7-1976), Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định chính thức đặt tên TP Sài Gòn - Gia Định là TP Hồ Chí Minh. Trong công cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, TP Sài Gòn - Gia Định cùng nhân dân miền Nam luôn nêu cao tinh thần anh dũng quật cường đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dân TP Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc TP được mang tên Người. Việc Quốc hội chính thức đặt tên TP Sài Gòn - Gia Định là TP Hồ Chí Minh, đó là phần thưởng xứng đáng và cao quý nhất mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước dành cho Đảng bộ, nhân dân TP.
Được vinh dự mang tên Bác, đó là niềm tự hào, tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong sự nghiệp xây dựng và phát triển. Trong suốt 40 năm qua, TPHCM đã không ngừng phát triển, trở thành một đô thị đặc biệt, một trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Với những thành quả đạt được trong suốt những năm qua, TP cũng được vinh danh là “Thành phố Anh hùng”. Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng, phát triển và nhất là sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhân dân TP có quyền tự hào về những thành tựu đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền và sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ ngành trung ương.
Từ số báo hôm nay, Báo SGGP xin giới thiệu một số bài viết mang nội dung “40 năm thành phố Sài Gòn - Gia Định mang tên thành phố Hồ Chí Minh” với sự tham gia của nhiều đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố, nhà nghiên cứu lý luận, nhà báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Bằng thiên tài trí tuệ và bản lĩnh cách mạng của mình, Người đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. Đó là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế chân chính, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và được mở đầu bằng thời mốc lịch sử năm 1911.
Bến cảng Nhà Rồng đầu thế kỷ XX, nơi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (Ảnh: TƯ LIỆU)
Tố chất cá nhân với tư duy chính trị sắc sảo, cộng với sự tác động của gia đình, nhất là sự thúc đẩy của hoàn cảnh lịch sử, khiến Nguyễn Tất Thành sớm nhận thấy phải đi tìm một con đường cứu nước mới. Và Sài Gòn, trên hành trình xuôi về phương Nam của Người, với những lý do ngẫu nhiên và tất yếu của lịch sử, từ vị trí là nơi cuối cùng của một hành trình trở thành điểm khởi đầu cho một hành trình mới nhiều gian nan, thử thách hơn mà Nguyễn Tất Thành sẽ đi trong ba mươi năm sau đó.
Nam kỳ là vùng đất trực trị dưới thời Pháp đô hộ và Sài Gòn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả Nam kỳ trong những năm đầu thế kỷ XX; đây cũng là nơi thể hiện rõ nét sự đối lập giữa thân phận của người dân mất nước với chính quyền thực dân, giữa khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” với chính sách bóc lột và thống trị tàn bạo mà chính quyền thực dân đang áp dụng. Bắt đầu từ năm 1897, thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ, nơi khai thác nguyên liệu và cung cấp nguồn nhân công rẻ mạt cho tư bản Pháp. Nhưng trước đó, Pháp đã tập trung đầu tư khai thác mạnh mẽ ở Nam kỳ. Bắt đầu từ năm 1862, thực dân Pháp đã tập trung “biến Sài Gòn - trung tâm đô thị lớn nhất Đông Dương thành một Vơnidơ ở châu Á”. Cùng với việc thiết kế đô thị, bộ máy hành chính, kinh tế công nghiệp tư bản chủ nghĩa là du nhập cưỡng bức văn hóa giáo dục. Hệ quả của nó đã làm cho Nam kỳ biến chuyển trên nhiều lĩnh vực theo hướng tư bản chủ nghĩa.
Ảnh hưởng văn minh Pháp sớm diễn ra ở Nam kỳ từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XIX. Cuộc chinh phục về văn hóa tinh thần cũng ráo riết không kém cuộc chinh phục bằng vũ trang. Cũng vì vậy, Nam kỳ là nơi diễn ra sự va chạm giữa các nền văn minh Đông - Tây. Các yếu tố của văn hóa Pháp kết hợp với văn hóa Việt tạo ra sự khác biệt lớn so với Trung kỳ và Bắc kỳ. Ở đây cũng sớm hình thành một tầng lớp “làng Tây”. Họ là “cầu nối” cho những luồng tư tưởng mới từ phương Tây mà trước hết là từ Pháp sang Việt Nam (cả tích cực và tiêu cực). Như vậy, Nam kỳ là nơi có thể dễ dàng tiếp xúc với các tư tưởng của văn minh Pháp cũng như văn minh phương Tây, trong đó Sài Gòn đã trở thành “cửa ngõ” rộng nhất của Việt Nam lúc bấy giờ và sẽ là lựa chọn đúng cho những người muốn xuất dương ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp.
Cũng chính Sài Gòn - nơi thực dân Pháp chiếm đóng đầu tiên, nơi xuất hiện mầm mống tư bản chủ nghĩa đầu tiên, nơi ra đời giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại đầu tiên, nơi có những biến đổi mới về kinh tế xã hội của thời đại mới đầu tiên, nơi bùng nổ liên tục nhiều phong trào yêu nước và cách mạng đủ màu sắc giai cấp mới đầu tiên, là nơi đã có một mãnh lực đặc biệt thu hút người thanh niên yêu nước, người thầy giáo Nguyễn Tất Thành, nên Người đã quyết tâm rời Huế, rời Phan Thiết để đi dần vào Sài Gòn ngay từ những ngày đầu giác ngộ cách mạng của Người, trong điều kiện đi lại lúc bấy giờ hết sức khó khăn.
Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm quen với những điều mới lạ của xứ “Nam kỳ trực trị”. Tại đây, Nguyễn Tất Thành chứng thực cái mới lạ, hào nhoáng của văn minh, kỹ nghệ phương Tây…; thấy rõ cách tổ chức cai trị, cách bóc lột tinh vi, tàn nhẫn của bọn tư bản Pháp; và Người chứng thực được cuộc sống cùng cực của những người công nhân và nhân dân lao động. Những tác nhân quan trọng đó đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển tư tưởng yêu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Người đã dấn thân vào hành trình “đường muôn dặm” để xem nước Pháp và các nước khác, rồi trở về giúp đồng bào. Tại Sài Gòn, mọi hoạt động của Nguyễn Tất Thành đều hướng đến một mục đích “sang phương Tây”. Do đó, Người chú ý đến cảng hãng tàu, làm quen với các hiệu giặt là gần cảng Nhà Rồng chuyên giặt quần áo cho các thủy thủ. Người đi vào xóm thợ, làm quen với những thanh niên cùng trang lứa đang làm thợ hay học nghề ở Trường Kỹ nghệ thực hành (École pratique d’industrie), Trường Đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn (Écol des mécaniciens asiatiques de Saigon)… Càng thâm nhập vào đời sống của các tầng lớp lao động, Người càng nung nấu cho một sự nghiệp lớn - cứu nước, cứu dân.
Trong hành trình từ Bắc - Trung - Nam mà Nguyễn Tất Thành đi trước ngày 5-6-1911, Sài Gòn là điểm dừng chân cuối cùng và cũng là điểm khởi đầu cho một hành trình mới. Ngày 5-6-1911, tàu Amiral Latouche Tréville rời cảng Sài Gòn đi ra phía biển, chở theo một thanh niên Việt Nam yêu nước 21 tuổi.
Từ tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc, Nguyễn Tất Thành đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của lịch sử, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn nhất. Người đã vượt qua được sự hạn chế của chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu đương thời, sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và đi vào con đường cách mạng vô sản, trở thành người chiến sĩ cách mạng Việt Nam đầu tiên sớm tìm thấy chân lý của thời đại: chủ nghĩa Mác - Lênin; giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn chặt phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế. Người đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chính con đường cách mạng vô sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra đã đưa dân tộc ta đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đến Đại thắng mùa Xuân 1975 và đến một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa như ngày nay.
Đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới của sự phát triển - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để nhanh chóng đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, khắc phục nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tiến kịp các nước trong khu vực và thế giới, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực an ninh, quốc phòng. Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
TS NGUYỄN THỊ HOA XINH
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM