Sài Gòn - Mai gọi nhau bằng cưng là nhan đề cuốn tản văn do NXB Trẻ xuất bản vừa ra mắt bạn đọc cả nước. Tác giả cuốn sách là một cô giáo, cô Bùi Thị Ngọc Dung (bút danh Hạ Dung) hiện là giáo viên Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9.
Là một người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, TPHCM hiện nay, Hạ Dung sống trọn cả cuộc đời nơi đây và TP này cũng để lại trong cô những dấu ấn khó quên nhất của cuộc đời. Trong bài viết Có còn thương nhớ mười hai cô nhắc đến tác phẩm Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng và nhắc lại một câu nói tâm đắc của ông: “Thì ra không cần nhiều: chỉ một câu nói tầm thường vào một buổi chiều mưa gió đìu hiu cũng gợi lên được những ấn tượng rầu rĩ trong một tấm lòng đã có mối xông…”.
Và trong tác phẩm của mình, trong các bài tản văn của mình, Hạ Dung đã thể hiện nỗi nhớ như thế. Nhớ con đường vắng, nhớ hàng me bay, nhớ những ngày đạp xe dọc quốc lộ 1, dừng lại bên rừng cao su hưởng làn gió ngược làm bay tóc, bay tà áo, nhớ chiếc xích lô, nhớ gánh hàng rong, nhớ cả những tác phẩm văn chương, ca hát của một thời tuổi trẻ…
Chính vì thế, nếu chờ đợi ở tác phẩm này một Sài Gòn - TPHCM hôm nay thì hẳn bạn sẽ thất vọng, Sài Gòn của Hạ Dung là một Sài Gòn xưa, Sài Gòn trong ánh mắt của cô gái trẻ đang ở cái tuổi mộng mơ, lãng mạn. Cũng vì thế, dù lớn lên đúng giai đoạn lịch sử đầy biến động nhưng cả những sự biến động đó cũng được thể hiện một cách nhẹ nhàng, lãng đãng như một bài thơ dù là bài thơ buồn như về những rung động đầu đời đã bị chiến tranh cuốn đi trong Bỗng nhớ một dấu chân theo...
Tổng thể gần 40 tác phẩm tản văn trong tập sách tập trung về Sài Gòn, một Sài Gòn kỷ niệm trong lòng một cô gái trẻ ngày đó. Một Sài Gòn riêng vốn chỉ tồn tại trong đôi mắt của một thiếu nữ mới lớn và cũng vì thế, cái Sài Gòn của tác giả không phải là một TP mà là một bài thơ, bài thơ về một nơi mà tác giả đã yêu, đã sống cùng nó cả một đời.
XUÂN THÂN