Sài Gòn nghĩa tình của Lê Văn Nghĩa

Từng trải qua nhiều nhà tù trong đó có Côn Đảo, nhưng văn chương của tác giả Lê Văn Nghĩa lại hướng đến tiếng cười ý vị và những kỷ niệm đẹp thời niên thiếu gắn với vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn nơi ông sinh ra.

Từng trải qua nhiều nhà tù trong đó có Côn Đảo, nhưng văn chương của tác giả Lê Văn Nghĩa lại hướng đến tiếng cười ý vị và những kỷ niệm đẹp thời niên thiếu gắn với vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn nơi ông sinh ra.

Có hàng chục năm làm chủ biên tờ báo Tuổi trẻ cười với hàng ngàn bài viết và hàng chục cuốn sách thể loại châm biếm, nhưng nhiều người ngạc nhiên khi những tác phẩm của Lê Văn Nghĩa in gần đây lại thể hiện một góc hoàn toàn khác về Sài Gòn xưa.

Sài Gòn xưa qua các tác phẩm Mùa hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy và mới nhất là cuốn Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ của Lê Văn Nghĩa thể hiện một Sài Gòn vào đầu những năm 1960.

Bối cảnh các truyện này ở khu vực Chợ Lớn - Sài Gòn, nơi tuổi thơ của Lê Văn Nghĩa trải qua trong một xóm nghèo. Tác giả có những người bạn học cũng con nhà nghèo nhưng thương yêu nhau. Từ câu chuyện của tụi con nít, bọn học trò nghịch ngợm, tác giả tái hiện lại không gian sinh hoạt của Sài Gòn một thời với lời ăn tiếng nói hàng ngày gần gũi như đời sống cần lao.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi đọc Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, dù là tay viết về tuổi hoa niên “trùm” hiện nay, đã không khỏi ngạc nhiên về Lê Văn Nghĩa khi cho rằng: “Đọc truyện này của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học”. Anh Nguyễn Nhật Ánh nhận xét: “Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của nhà văn Sơn Nam hay Vương Hồng Sển”.

Viết truyện về thiếu niên ở Sài Gòn xưa mà được một “ông trùm” về truyện tuổi mới lớn như Nguyễn Nhật Ánh đem so với các bậc thầy biên khảo Sơn Nam, Vương Hồng Sển, điều đó cho thấy Lê Văn Nghĩa rất “thuộc” Sài Gòn xưa. Ngôn ngữ trong các truyện của Lê Văn Nghĩa thể hiện tính cách của người Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung. Rất khó tìm ra một câu văn để “nâng” thành danh ngôn hay triết lý trong các truyện này. Vậy nhưng, những câu chữ từ đời sống thường nhật của người Sài Gòn đi vào trang viết của Lê Văn Nghĩa lại có một sức nặng khác, thể hiện triết lý sống của người Sài Gòn, đó là nói ít làm nhiều, nghĩa tình, khí khái, trượng nghĩa...

Chẳng hạn câu cửa miệng“Dầu hèn cũng thể…” - thường thấy trong các tác phẩm của Lê Văn Nghĩa thể hiện rõ tính cách của người Sài Gòn.

Trong tập truyện dài vừa phát hành Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, Sài Gòn đầu những năm 1960 một lần nữa hiện lên qua các trang viết của Lê Văn Nghĩa. Những người yêu Sài Gòn sẽ gặp lại Sài Gòn vào thời điểm đó với bối cảnh cũ và con người xưa như nhà ảo thuật Lê Văn Quý (cha của nghệ sĩ Mạc Can), nghệ sĩ Bạch Tuyết; các rạp hát lừng danh một thời, giá cả sinh hoạt và bao nhiêu cảnh vật khác nhưng nay đã không còn.

Sài Gòn xưa trong truyện của Lê Văn Nghĩa cũng như hiện nay luôn rộng mở vòng tay đón tất cả mọi người biết yêu quý vùng đất này.

BÌNH LỢI

Tin cùng chuyên mục