Sai phạm tại Dự án BV Ngọc Tâm: “Xào chẻ” đất công, lợi dụng chính sách từ ngân hàng để trục lợi

Được Nhà nước giao cho khu đất công cộng bốn mặt tiền rộng 2,9 ha nằm cạnh bên UBND TP Thủ Đức từ năm 2006 để xây bệnh viện, thế nhưng Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần của “đại gia” Đặng Phước Dừa bỏ hoang 15 năm. Không những thế, vị đại gia này còn dùng khu đất để góp vốn, sang nhượng, thế chấp vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng để dùng vào việc khác. 
Sai phạm tại Dự án BV Ngọc Tâm: “Xào chẻ” đất công, lợi dụng chính sách từ ngân hàng để trục lợi
Nội dung

Điều lạ lùng là dù miếng đất công xây bệnh viện bị ông Dừa “biến” thành tài sản riêng (dù chưa xây bệnh viện) đem bán (dưới chiêu bài bán cổ phần dự án) thu về hơn 700 tỷ đồng nhưng vẫn được ngân hàng cho vay, ưu ái miễn giảm lãi trong quá trình xử lý “nợ xấu” cho đại gia này. 

Lừa lãnh đạo để lấy đất công

Biết trong dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi rộng 174 ha do Công ty XD và KD nhà Phú Nhuận (doanh nghiệp Nhà nước) làm chủ đầu tư hạ tầng có 2,9 ha đất công trình công cộng, Công ty Đặng Trần của ông Đặng Phước Dừa nhanh tay làm thủ tục xin đầu tư dự án bệnh viện quy mô 500 giường bệnh. Để được chấp thuận chủ trương giao khu đất công trình công cộng do Nhà nước quản lý trên, ông Dừa đã “vẽ” ra dự án Bệnh viện Ngọc Tâm quy mô, “hoành tráng”.  

Trước đề nghị của Công ty Đặng Trần, năm 2006 UBND TP đã ra Quyết định 1694/QĐ-UBND giao khu đất “vàng” trên cho Công ty Đặng Trần để xây dựng bệnh viện. Khi giao đất, UBND TP đã ghi rõ đây là đất công trình công cộng, chỉ dùng để đầu tư xây dựng bệnh viện theo chính sách kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế của Chính phủ.

Khi đó, UBND TP đã vận dụng mọi sự hỗ trợ, ưu đãi tối đa cho nhà đầu tư, cho phép công ty chỉ phải thực hiện một phần nghĩa vụ tài chính đối với khu đất đã được giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.

Cụ thể, khi giao đất, UBND TP chỉ yêu cầu Công ty Đặng Trần đóng tiền giá trị đất bằng với giá tiền bồi thường giải phóng mặt bằng trong toàn dự án Thạnh Mỹ Lợi, còn lại tiền sử dụng đất của toàn bộ 2,9 ha này được Hội đồng Thẩm định Bồi thường TP xác định là 9,2 tỷ đồng được miễn đóng, do căn cứ theo Điều 12 Nghị định 198 năm 2004 của Chính phủ.

Tổng số tiền mà Công ty phải nộp vào ngân sách TP khi đó chỉ 22,2 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy khu đất giao cho Cty của ông Dừa làm bệnh viện là đất do Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn. Điều này, lẽ ra khi cấp Giấy CNQSDĐ cho Công ty Ngọc Tâm vào năm 2007, Sở TN-MT TPHCM phải ghi rõ trong giấy ở phần Nguồn gốc sử dụng đất là: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, nhưng được miễn. Nhưng không hiểu vì lý do gì, Giấy CNQSDĐ mang ký kiệu AI 334094 mà ông Trần Thế Ngọc (lúc đó là Giám đốc Sở TN-MT TPHCM) ký lại chỉ ghi “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”, mà thiếu mất một vế sau “nhưng được miễn” ??? Chính sự lập lờ này, dù biết đây vẫn là đất công nhưng ông Đặng Phước Dừa đã lợi dụng sơ hở này của cơ quan quản lý nhà nước để trục lợi từ 2,9ha đất công này.  

Theo quy định của pháp luật, đối với đất công thì tổ chức được giao sử dụng không được phép mua bán, cầm cố, thế chấp, đem góp vốn… trừ trường hợp được cơ quan thẩm quyền cho phép. Cụ thể, Mục 2, Điều 173 Luật Đất đai quy định “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”. Thế nhưng đối với dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm thì ông Đặng Phước Dừa dường như lờ đi tất cả quy định của pháp luật để “xào chẻ” trực lợi từ khu đất công này mà báo chí đã phanh phui trong vòng một tháng qua. 

Đất công giao cho ông: ông làm gì mặc ông?

Sau khi được cấp sỏ đỏ vào tháng 8-2007 và dù khu đất vẫn là bãi đất hoang, nhưng lợi dụng việc được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho công ty xây bệnh viện, ông Dừa và những cá nhân liên quan trong gia đình ông đã “xào chẻ” bằng các hợp đồng góp vốn, sang nhượng qua lại lòng vòng trong các công ty của gia đình ông để cuối cùng “định giá” lên đến 232 tỷ đồng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngân hàng. Ông Đừa đem sổ đỏ của Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm đi thế chấp vay ngân hàng nhằm làm việc khác chứ  không hề dùng để xây bệnh viện.

Cụ thể, từ năm 2014 đến 2016, ông Dừa và con ông với tư các là chủ Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm dùng chính sổ đỏ Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm đem thế chấp vay Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Bình Thạnh tổng cộng 223 tỷ đồng để “góp vốn đầu tư dự án”.

Ông Dừa đem số tiền vay từ ngân hàng này “góp vốn đầu tư dự án” để đầu tư vào dự án bất động sản của Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín, nằm ở tận… Đồng Nai. Cụ thể là Dự án khu dân cư A1 – C1 – Khu đô thị Dầu Giây, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Đây cũng là dự án do chính ông Dừa làm chủ đầu tư. Mặc dù theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm, công ty này hoàn toàn không có chức năng “góp vốn đầu tư dự án”. Thế nhưng phía ngân hàng vẫn đồng ý cho vay.  

Cụ thể, ông Đặng Phước Dừa đại diện Công ty cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm (Công ty Ngọc Tâm) từ ngày 10-4-2014 đến ngày 9-5-2016, bằng ba hợp đồng tín dụng ký với Sacombank - chi nhánh Bình Thạnh, thế chấp QSĐ khu đất gần 2,9ha dự án xây dựng Bệnh viện Ngọc Tâm để vay tổng số tiền 223 tỷ đồng.

Trước việc làm mập mờ của Công ty Ngọc Tâm và Chi nhánh ngân hàng này, Thanh tra thành phố và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TPHCM vào cuộc làm rõ các vi phạm của việc thế chấp, vay vốn trên. 

Theo đó, Sacombank - chi nhánh Bình Thạnh chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn khi đánh giá, tính toán nguồn trả nợ và hoàn trả vốn góp cho cả ba lần thế chấp dù dự án có hiệu quả hay không. Việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay, Sacombank - chi nhánh Bình Thạnh cũng không thu thập báo cáo tài chính, thẩm định tình hình tài chính mà chỉ căn cứ vào hợp đồng hợp tác kinh doanh hưởng lợi tức để xem xét và quyết định cho vay, khi khách hàng không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.

Đặc biệt, Cục Thanh Tra, giám sát ngân hàng TPHCM cũng nêu rõ, thời điểm thẩm định cho Công ty Ngọc Tâm vay vốn theo phương án ‘‘góp vốn đầu tư dự án’’; giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Ngọc Tâm  không có chức năng hoạt động góp vốn đầu tư dự án. Quá trình giải ngân vốn vay, Sacombank có kiểm tra, giám sát vốn vay định kỳ đối với các khoản vay của Công ty Ngọc Tâm nhưng việc kiểm tra chỉ nhằm... hợp thức hóa công tác kiểm tra là chưa thực hiện đúng theo Luật Tổ chức tín dụng,…

Từ những sai sót này, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của Ngân hàng Sacombank - chi nhánh Bình Thạnh. Thế nhưng, không hiểu vì sao, mọi việc sau đó vẫn trôi vào quên lãng.

Và, khi việc dễ dãi của Sacombank - chi nhánh Bình Thạnh đã dẫn đến hậu quả tất yếu. Ông Đặng Phước Dừa vay tiền xong, sử dụng vốn như thế nào, chi nhánh ngân hàng này không thể kiểm soát được. Cuối cùng, hợp đồng tín dụng này khi đến ngày đáo hạn đã biến thành nợ xấu khó đòi của Sacombank.

Lãnh đạo Sacombank "bắt tay" ông Đặng Phước Dừa để làm gì?

Việc cho vay của Sacombank - chi nhánh Bình Thạnh đối với “sổ đỏ” mà ông Dừa đem thế chấp đã có nhiều sai phạm, nhưng quá trình xử lý “nợ xấu” của các hợp đồng tín dụng liên quan đến Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm của Sacombank càng khó hiểu hơn. 

Ông Đặng Phước Dừa đem sổ đỏ đất của Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm thế chấp vay vốn thực hiện dự án bất động sản của Công ty Phú Việt Tín ở Giầu Dây, Đồng Nai từ năm 2014 đến nay. Dù giá bất động sản từ năm 2014 đến nay đã tăng hàng chục lần, các nhà đầu tư bất động sản thu về lợi nhuận khổng lồ. Và dự án của ông Dừa cũng không thể khác. Thế nhưng, ông Dừa không lấy tiền từ kinh doanh dự án bất động sản ở Đồng Nai để trả nợ cho Sacombank mà tiếp tục “ngâm” để gói tín dụng thành “nợ xấu”. 

Theo hồ sơ chúng tôi có được, lợi dụng chính sách xử lý nợ xấu từ Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội, ông Dừa cấu kết với lãnh đạo Ngân hàng Sacombank để trục lợi từ chính sách này. 

Cụ thể, dù sau đó dự án Bệnh viện Ngọc Tâm đã bán cho đối tác mà theo chúng tôi được biết cũng liên quan đến lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Sacombank thu về khoảng 750 tỷ đồng thế nhưng Ngân hàng Sacombank chỉ thu nợ gốc và lãi là 50 tỷ đồng và giảm lãi suất cho công ty của ông Dừa là hơn 120 tỷ đồng.

Từ đây dư luận đặt câu hỏi, tại sao dự án Bệnh viện Ngọc Tâm bán thu về số tiền “khổng lồ”, lớn hơn tiền gốc và lãi vay của Ngân hàng Sacombank, nhưng ngân hàng này vẫn giảm lãi vay cho Công ty Đặng Trần? Đây có phải là hành vi cấu kết của lãnh đạo ngân hàng Sacombnak với đối tác, đồng thời lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi vì thực tế khoản tiền vay trên không được dùng vào xây dựng bệnh viện mà được ông Dừa dùng vào việc khác là kinh doanh bất động sản thu lời rất lớn. Bất động sản cũng không phải là lĩnh vực ưu tiên của Nghị quyết 42 về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất khi xử lý nợ xấu. 

Điều dư luận quan tâm hơn nữa là ông Dừa từng là lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng như Đông Á, Eximbank và cũng là một luật sư, ông thừa hiểu luật pháp quy định về việc vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích như thế nào, nhưng ông bất chấp vay tiền từ dự án bệnh viện nhưng lại đem tiền đi đầu tư bất động sản. 

Được biết, do dự án Bệnh viện Ngọc Tâm để hoang quá lâu, Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành và Thanh tra Thành phố vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm.

Tất cả các cơ quan sau khi điều tra, xác minh đều khẳng định Công ty Đặng Trần, Công ty Việt Tín, Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm của ông Dừa xin giao đất để đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng không có năng lực để thực hiện dự án, không triển khai thực hiện mà chỉ lấy khu đất công đi góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng, thế chấp, cầm cố để lấy tiền phục vụ vào mục đích khác.

Sau khi nghe báo cáo, Thường trực thành ủy, UBND TPHCM chỉ đạo thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án, thu hồi 2,9 ha đất công đã cấp cho Công ty Đặng Trần vào năm 2006 trên để Nhà nước quản lý, giao đơn vị có năng lực đầu tư vào khu đất công cộng trên.

Thế nhưng, mọi việc chưa xong thì ông Dừa đã đem bán dự án bệnh viện trên cho một chủ mới. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã cấp Giấy đăng ký kinh doanh mới cho chủ mới và dời luôn địa chỉ Công ty thực hiện dự án sang địa chỉ khác. Và chủ dự án mới lại đang tiếp tục rao bán Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm trên mạng với giá hơn 1.000 tỷ đồng.

Vì sao một miếng đất công được cấp phép xây bệnh viện với hàng loạt ưu đãi nhưng ông Đặng Phước Dừa lại tự tung tự tác để trục lợi như vậy mà không bị xử lý. Phải chăng có thế lực dung túng, bao che cho vị đại gia này ???

Tin cùng chuyên mục