“Saigon nay” - ta với phố Tây

Ba cô gái Nhật vào cà phê Kim gọi một dĩa bò bía. “Rolling” là món cuốn quen thuộc mà các cô gái Nhật đến phố Tây, đều gọi món cuốn trước, nên “rolling” trở thành “nick names” của khách trẻ Nhật.

Ba cô gái Nhật vào cà phê Kim gọi một dĩa bò bía. “Rolling” là món cuốn quen thuộc mà các cô gái Nhật đến phố Tây, đều gọi món cuốn trước, nên “rolling” trở thành “nick names” của khách trẻ Nhật.

Một gia đình người Việt rời quán cà phê Sasa lên xe của Handspan Tour đi Đà Lạt. Giữa Sài Gòn gần đây đã nổi lên một điểm giao thoa Tây - ta trong sinh hoạt đời thường. Tây là nói chung người nước ngoài đa chủng loại, phần lớn là du khách ba lô hay lao động đến Việt Nam tìm việc làm, cũng có một số ít là viên chức các công ty liên doanh, hợp tác các ngành nghề tạm cư tại Sài Gòn.

Còn ta có tới ba bộ phận hòa chung điệu sống với phố Tây. Một là khách trẻ và khách lớn tuổi thì thuộc giới có thu nhập trung bình, nhưng biết chọn lựa nơi để lui tới cuối tuần hay là tuyến điểm mua tour du lịch, gần thì đi Củ Chi, Vũng Tàu; xa thì ra tận Hà Nội hoặc đi Phnom Penh của Campuchia.

Hai là giới làm “dịch vụ đặc biệt” tại cơ sở nhà cửa có sẵn. Đặc biệt vì bên sau khách sạn “có sao” là những dãy nhà trọ cho khách ở chung với gia đình với mức giá khá thấp, lại còn có dịch vụ khâu vá áo quần cho khách bị rách vì xông pha tuyến điểm đường dài nhiều ngày, bên cạnh có những phòng tắm gội thô sơ. Nhưng dịch vụ lạ đời nhất đối với “Saigon nay”, đó là mở quầy đổi sách, đem sách cũ đến đổi sách mới. Khách nước ngoài có một thói quen tốt mà ta nên học theo, đó là ham đọc sách, đi tàu, ngồi xe… có thể nói đâu cũng đọc. Đọc nhiều nhưng Tây ba lô ngại mua tốn tiền, nên dịch vụ đổi sách là đáp ứng đúng “phân khúc thị trường đọc”.

Thứ ba là những người kiếm sống. Có một nét lạ là phố đông như thế, mà tuyệt nhiên không có đánh giày và bán vé số dạo. Có lẽ do đa số Tây ba lô mang dép hay giày vải nên không có giày da cần đánh bóng và họ đi tour liên miên dọc dài biết dò số trúng ở đâu mà mua vé số?

Tại phố Tây gần đây đã hình thành một loại hình kinh doanh thời thượng, được coi là khá lạ đời. Đó là chuyên viên tiếp thị của các đơn vị chuyên tổ chức hội thảo chuyên đề, ôm thư mời chào và tập gấp đến chào mời khách dự hội thảo, tất nhiên là chuyên viên tiếp thị đại biểu hội thảo cũng biết nhìn ngắm, để chào với những vị khách có vẻ là doanh nhân hay trí thức, để tăng thêm phần trọng thể cho những hội thảo chuyên đề rất cần có khách nước ngoài tham dự.

Hình ảnh ấn tượng nhất nơi phố Tây là các em nhỏ bê một “tháp sách” cao nghều đến các bàn ăn để chào bán, trong đó cảm động như cô bé Trần Thị Mai mà tôi đã gặp, dù bị khuyết tật một chân, cô vẫn khập khễnh ôm tháp sách đi kiếm sống.

Phố Tây có thời điểm vắng khách, hàng quán trở bộ vừa Việt Nam hóa, vừa mở thêm dịch vụ, các quán cà phê như Sinh, Kim… tổ chức cho khách đi du lịch, ban đầu là những tour đơn giản gần, sau lần phát triển ra xa. Tưởng chỉ là giải pháp tình thế, nào ngờ các quán cà phê thành đạt, phát tài, đến tháng 12-2002 khách Tây ập đến và khách ta cũng tìm đến phố Tây. Biểu hiện rõ nét qua các quán hàng quen tên như cà phê Sasa, Kim, Sinh tỷ lệ khách ngồi Tây - ta là 50/50, trên xe đi tour khách Tây - ta là 7/3, còn các dịch vụ khách sạn thuê xe gắn máy thì khách ta vắng bóng.

Khách ta đến phố Tây là do có sự chọn lựa, ăn ở phố Tây vừa ngon, sạch, giá lại mềm. Thời giá những năm 2004 - 2008 beefstick chỉ có 35.000 đồng so với 48.000 đồng nơi một số hiệu cơm Tây nửa vời khác, cà phê đen 3.000 đồng hay bình trà American thơm dịu 1.000 đồng, thời giá 2011 đã tăng hơn gấp đôi, nhưng vẫn còn mềm hơn các nơi khác. Tây cầm đũa, chấm nước mắm, ta cầm nĩa muỗng, quần lửng áo thun, nên nhìn xa xa, Tây - ta cũng sêm sêm, nhưng để ý quan sát kỹ thì cũng có đôi nét phân biệt, Tây nói ít, ta nói nhiều. Tây xuống xe du lịch vào giờ ăn thì dừng lại trước quán chờ nhân viên đem thực đơn ra chào giá và các món, vì họ có kế hoạch chi tiêu chi ly, còn ta xuống xe là cứ đi xộc vào quán, bất kể giá biểu trời trăng.

Vào dịp lễ Noel, nếu khách ta chọn các món thỏ nấu rượu vang, gà lôi nấu đậu, thịt xông khói uống vang trắng của Ý, ngược lại Tây thì chọn lẩu dê, chả giò chiên, bắp nướng, gỏi cuốn… uống rượu trắng Làng Vân. Quả tình đúng như câu thành ngữ của Pháp “Văn mình, vợ người, món ăn trên bàn người khác”.

Phố Tây còn hấp dẫn với các tour nội địa, đến giờ nào cũng có xe đi, như là một bến xe khách trật tự, vì khách chẳng cần mua tour trọn gói, xe máy lạnh, phục vụ tốt và nhất là giá rất mềm. Điều thuận lợi nhất mà không có hãng xe khách nào có thể đáp ứng được, đó là dây chuyền khép kín. Tỷ như đi Củ Chi - Trảng Bàng, có thể từ đó nối xe cùng một hãng đi Tây Ninh, hay đi Mộc Bài, Angkor Watt… vào các thời điểm có lễ hội lớn, điểm dừng nào cũng có tổ chức lễ hội dành cho khách.

Phố Tây nói chung dần trở thành một “Saigon nhỏ” trong TP Hồ Chí Minh lớn, hội nhập và phát triển. Tuy phố Tây êm thắm sinh hoạt có văn hóa, trật tự an ninh, nhưng cũng phải có những anh dân phòng đồng phục xanh lui tới xem chừng, nhàn tản, trên tay không thấy có công cụ hỗ trợ, hiếm khi thấy các anh phải can thiệp vất vả, đó cũng là một nét chan hòa nơi phố Tây trên xứ ta, TP Hồ Chí Minh phát triển.


LÊ VĂN SÂM

Tin cùng chuyên mục