LTS. Nhịp cầu bạn đọc tiếp tục nhận được ý kiến của bạn đọc về sân chơi cho giới trẻ. Không đơn thuần là nơi ca hát, nhảy múa như nhiều người vẫn nghĩ mà sân chơi cho thanh niên ngày nay với các câu lạc bộ, nhóm… đáp ứng sở thích của giới trẻ. Những người yêu ngoại ngữ, nhiếp ảnh, thích làm từ thiện, thích công tác xã hội, trà đạo hay kiến trúc, khoa học, lịch sử… đã có những CLB, đội nhóm dành riêng.
Sự tan loãng của những nhà văn hóa
Tìm một sân chơi chính thống tại TPHCM không dễ. Các trung tâm văn hóa quận, huyện và thành phố - địa chỉ đầu tiên bạn trẻ tìm đến - chất lượng hoạt thường không đồng đều khiến cho không ít bạn trẻ xa dần. Thích đông - vui, nhiều bạn trẻ đổ xô vào các trung tâm văn hóa lớn có hàng chục, thậm chỉ cả trăm sân chơi với đủ các loại hình đang thịnh hành. Do đó NVH Thanh niên, Cung văn hóa Lao động, NVH Phụ nữ luôn trong tình trạng “ngộp” trong khi các nhà văn hóa quận, huyện lại quá thưa thớt.
NVH Thanh niên, do mở quá nhiều lớp học với nhiều lĩnh vực (hơn 30 CLB đội nhóm, hàng chục lớp ngoại ngữ, lớp bổ sung kiến thức về tình yêu - hôn nhân - gia đình, các lớp đào tạo MC, võ thuật, dạy hát, khiêu vũ, chương trình sinh hoạt chuyên đề, luyện nói hay viết đẹp, nói chuyện trước công chúng…), các lớp học này lại chiêu sinh liên tục và không giới hạn số lượng nên nhiều lúc dẫn đến quá tải, không đạt chất lượng.
Từng tham gia một lớp học khiêu vũ tại NVH Thanh niên, tôi đã ngán ngẩm bởi lớp học có đến khoảng 50 học viên nhưng chỉ có một thầy hướng dẫn. Đã vậy, không gian học chật hẹp lại có nhiều lớp học cùng lúc nên rất khó tập luyện, nhiều hôm dẫn đến hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau. Lãnh đạo NVH Thanh niên đã chuyển một số lớp khiêu vũ về Trung tâm Văn hóa Bình Thạnh. Tuy nhiên, về đây, không khí luyện tập chùng xuống hẳn, thiếu dụng cụ, máy móc, và vì nhiều học viên thấy xa nên nghỉ luôn.
Những hoạt động văn hóa khác như: học vẽ, học múa dành cho trẻ em và một vài lớp dạy cắt tóc, dạy thêu… ở các trung tâm văn hóa quận 3, 10, Gò Vấp… cũng trong tình trạng tương tự. Còn các huyện ngoại thành, thanh niên tìm đỏ mắt cũng không thấy sân chơi phù hợp. Nhà văn hóa của các huyện hầu như chỉ có chức năng làm bãi giữ xe, tổ chức tiệc cưới, hội chợ và đôi khi là nơi học tạm của các trường học lân cận đang kỳ tu sửa.
Nhiều CLB, đội nhóm theo sở thích
Chính sự “tan loãng” của sân chơi trong các trung tâm văn hóa đã tạo nên các câu lạc bộ (CLB) hoạt động riêng rẽ của một số người có cùng sở thích. Ở đây, họ có thể trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với nhau và tha hồ thể hiện năng khiếu, ý tưởng của mình. Được thể hiện và làm chủ những hoạt động của mình, CLB đã và đang trở thành xu hướng thịnh hành trong giới trẻ. Đam mê viết báo, nhiếp ảnh, guitar, mê xe Vespa, thích làm từ thiện hoặc yêu ngoại ngữ… bạn đều có thể tìm thấy các CLB bạn yêu thích một cách nhanh chóng và cũng dễ dàng để trở thành thành viên. Không gian hoạt động có thể là các quán cà phê, công viên, các điểm dã ngoại, cũng có thể là căn phòng được CLB thuê để phục vụ cho việc học tập, rèn luyện. Hình thức là các lớp học tự lập, các cuộc giao lưu gặp gỡ hoặc các chuyến dã ngoại.
Mỗi chủ nhật, hàng chục bức ảnh, bức tranh đẹp trong tuần lại được đem ra thảo luận tại quán cà phê Sân thượng trên đường 3 Tháng 2, quận 11. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung của các bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh và kiến trúc trong suốt 3 năm qua. Là một người đam mê nhiếp ảnh và kiến trúc, anh Đức - một kiến trúc sư - đã mở ra quán cà phê này để anh em có cùng sở thích có nơi hội tụ để trao đổi và học hỏi lẫn nhau.
Từ 4 năm nay, những bạn trẻ yêu thích viết báo tại TPHCM cũng rất vui mừng khi gia nhập sân chơi của hội “Phóng viên trẻ”. Đây là sân chơi của một nhóm bạn đến từ khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn lập ra. Đến nay hội đã có hơn 3.000 thành viên trong và ngoài trường, thường xuyên có những thông tin bổ ích, những bài viết hay trên diễn đàn, blog của hội. Hàng tháng hội có tổ chức offline tại công viên Gia Định hoặc công viên 30-4 để cùng nhau thảo luận về các đề tài nóng của xã hội. Tương tự, các hội “Nhiếp ảnh Gà”, “Guitar club”, “CLB trà đạo”… hàng tháng đều tổ chức gặp gỡ giao lưu tại các công viên.
Tuy nhiên, mặt trái của những sân chơi tự phát này là dễ trở thành sân chơi biến tướng của những người có cùng sở thích không lành mạnh, như những người đam mê tốc độ thành lập nhóm đua xe trên đường phố, mê game online tập hợp nhau thành từng nhóm, chơi và hành xử với nhau như nhân vật trong game…
Thực tế trên cho thấy việc tổ chức cho thanh thiếu niên giải trí tại các Nhà Văn hóa TP, Trung tâm Văn hóa các quận huyện còn nhiều bất cập. Để các hoạt động vui chơi, giải trí của thanh thiếu niên được hiệu quả và chất lượng, cơ quan chủ quản các tổ chức này cần có chương trình hoạt động khoa học và thiết thực hơn. Chính quyền các địa phương cũng cần có kế hoạch khai thác triệt để chức năng của các nhà văn hóa, xây dựng các sân chơi lành mạnh theo thị hiếu của giới trẻ, để họ tự tranh cử vị trí nhóm trưởng và hoạt động theo tiêu chí riêng của nhóm dưới sự giám sát của nhà văn hóa.
THU HƯỜNG