Sàn giao dịch công nghệ TPHCM còn nhiều thách thức

Sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TPHCM (HTTE) chính thức khởi động từ cuối năm 2011, là một phần trong chương trình nghị định thư hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, do Cục Công tác phía Nam – Bộ KH-CN chủ trì. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đề án vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn mô hình và phương thức hoạt động.

Sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TPHCM (HTTE) chính thức khởi động từ cuối năm 2011, là một phần trong chương trình nghị định thư hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, do Cục Công tác phía Nam – Bộ KH-CN chủ trì. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đề án vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn mô hình và phương thức hoạt động.

Theo nhóm xây dựng đề án, Trung Quốc hiện có hai sàn giao dịch công nghệ (SGDCN) lớn ở Thượng Hải và Thiên Tân. Trong đó, Thiên Tân tập trung vào công nghiệp nặng, còn sàn giao dịch Thượng Hải cung cấp đa dạng các mặt hàng công nghệ, đây được xem là mô hình khá phù hợp với điều kiện công nghệ và thị trường Việt Nam.

Thông qua nghị định thư hợp tác, dựa trên mô hình của sàn giao dịch Thượng Hải, Cục Công tác phía Nam (Bộ KH-CN) đã đề xuất hệ thống sàn giao dịch quốc gia được tổ chức thành 3 cấp trung ương, thành phố và địa phương. Trong đó, HTTE tuy là sàn giao dịch địa phương nhưng có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các sàn giao dịch khác, thông qua hệ thống thông tin trực tuyến. Đặc biệt, HTTE là sàn giao dịch mẫu, từ đó làm cơ sở để nhân rộng ra trong cả nước. Kinh nghiệm của SGDCN nước bạn cũng chứng minh, muốn sàn hoạt động có hiệu quả phải có những cơ chế, chính sách, quy định có liên quan và cơ chế hoạt động rõ ràng…

Trong khi đó theo ông Vũ Quốc Dũng, Trưởng phòng Tin học (thuộc Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM), thành viên nhóm xây dựng đề án: Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi Việt Nam đang có rất nhiều thách thức phát triển SGDCN. Đó là chưa có quy chế hoạt động sàn giao dịch, chưa có văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động tư vấn giao dịch công nghệ, không có chính sách ưu đãi nào đối với đơn vị tư vấn; chưa có chế tài bắt buộc các chủ đề tài nghiên cứu phải giới thiệu công nghệ tại sàn… Cũng theo ông Dũng, hiện một số tỉnh, thành như Hải Phòng, Nghệ An, TPHCM… đã hình thành các SGDCN cho riêng mình. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là bước phát triển cao hơn của chợ công nghệ. Nơi sàn giao dịch chỉ là đơn vị trung gian để kết nối người bán và người mua. Để được gọi là SGDCN, bản thân sàn không chỉ là nơi kết nối người bán và người mua, mà còn hỗ trợ chủ sở hữu đăng ký quyền tác giả, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu từ ý tưởng đến công nghệ để ra sản phẩm cuối cùng là máy móc và thiết bị… Như vậy, chỉ riêng việc định nghĩa thế nào là SGDCN tại Việt Nam cũng còn khá mơ hồ.

Từ đó, ông Bùi Văn Quyền, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, cho rằng việc xây dựng mô hình khung cho HTTE là rất cần thiết và cấp bách, nhưng phải từng bước. Mô hình hoàn chỉnh thì mới mở rộng ra nhiều địa phương khác. Còn trước mắt, trên cơ sở có sẵn của SGDCN thử nghiệm TPHCM (do Sở KH-CN TPHCM xây dựng), ban chủ nhiệm đề án sẽ sớm lên phương án kết nối và thử nghiệm theo mô hình mới này.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục