San hô quý hiếm tại biển Hòn Mun ở vịnh Nha Trang bị "xóa trắng"

Nhiều khảo sát cho thấy, dưới đáy biển Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), san hô bị chết, phủ một lớn trắng rộng hàng trăm mét vuông.

Gần đây, nhiều người cảm thấy hối tiếc, xót xa khi chứng kiến hệ sinh thái dưới đáy biển Hòn Mun trong tình trạng tan hoang. Lặn khảo sát dưới đáy biển khu vực phía Đông Bắc, Tây Nam đảo Hòn Mun, nhiều người thấy nơi này phủ một lớp trắng san hô chết rộng hàng trăm mét vuông. Hệ sinh thái biển tan tác, cảnh đàn cá bơi lội trước đây nay không còn. Nhiều san hô bị chết theo sóng đánh dạt vào bờ.

Tan nát rạn san hô ở Hòn Mun

Hòn Mun cách bờ hơn 10m, nằm trong vùng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang, rộng khoảng 160km, được bảo vệ nghiêm ngặt. Với hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều san hô…, nơi đây thu hút du khách đến lặn biển, ngắm đại dương.

“San hô tại Hòn Mun chết rất nhiều, cùng với đó số lượng sinh vật biển còn khá ít. Chẳng hạn, khu vực Đông Bắc Hòn Mun (bãi Mama Hạnh) trước đây có nhiều rạn san hô đẹp, thu hút khách đến lặn biển, nhưng giờ đây san hô chết phủ trắng hàng trăm mét vuông”, một thợ lặn ở Nha Trang nói.

Còn Ban Quản lý vịnh Nha Trang thừa nhận Khu Bảo tồn biển Hòn Mun bị tàn phá. Song đơn vị này sau khi khảo sát, đánh giá, thì cho rằng nguyên nhân do thiên tai là chính. Trong đó, các yếu tố tác động tới việc này như: tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài dịch hại... là các yếu tố ảnh hưởng rất nặng đến sức khỏe hệ sinh thái. Tuy nhiên, các yếu tố trên lại mang tính khách quan, toàn cầu, rất khó kiểm soát, điều chỉnh. Ban Quản lý vịnh ước tính mất chừng 10 năm mới phục hồi được các rạn san hô.

Một cảnh dưới Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang bị cho là suy giảm sự đa dạng sinh học. Ảnh: Facebook NGUYEN SON
Rất khó phục hồi rạn san hô đã bị “xóa trắng”

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang, TS Hoàng Xuân Bền cho biết, để xác định chính xác rạn san hô hay hệ sinh thái bị hủy diệt cần phải khảo sát, đánh giá trực tiếp, dựa vào số liệu, dữ liệu để chứng minh.

Theo ông, hiện nay thì chưa thể xác định được sự suy giảm hệ sinh thái tại khu bảo tồn là do thiên tai hay do con người. Tuy nhiên, ông nhìn nhận, việc suy giảm rạn san hô trong vịnh có nhiều nguyên nhân, như: ô nhiễm môi trường từ các hoạt động du lịch, xả thải, nuôi trồng thủy sản; hiện tượng tẩy trắng san hô và các tác động thiên nhiên như bão, lũ...

Riêng PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang thì cho rằng, hệ sinh thái Khu Bảo tồn biển Hòn Mun bị suy giảm nghiêm trọng có thể do nhiều yếu tố tác động và đến nay cũng chưa có bằng chứng khoa học nào để đánh giá một cách chính xác. Ngoài ra, tại vịnh Nha Trang đang có tình trạng thay đổi chất lượng môi trường dẫn đến việc lắng đọng trầm tích. Những tác động tích lũy đến cùng một lúc, điều này rất khó để có bằng chứng cụ thể về việc này.

Liên quan đến san hô quý hiếm tại biển Hòn Mun ở vịnh Nha Trang bị "xóa trắng", chiều 10-6, PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang nhìn nhận, đây là “vấn đề nghiêm trọng”, vì Hòn Mun nói riêng và vịnh Nha Trang nói chung nằm trong khu vực được Luật Di sản và quy định về bảo tồn biển bảo vệ nghiêm ngặt. Mặt khác, để có một rạn san hô phải mất thời gian dài, có khi hàng nghìn, hay cả triệu năm. Khi san hô bị “tẩy trắng” như hiện nay là rất khó phục hồi, mà việc phục hồi cũng mất nhiều thời gian, tiền bạc.

PGS.TS Nguyễn Tác An nêu rằng, không thể đổ lỗi mãi cho thiên tai, dịch hoạ mà quên đi sự tác động rất lớn từ con người, chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.

“Bởi, hệ sinh thái san hô trong vịnh đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế”, phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu của xã hội, nhưng không vì thế mà bỏ qua các yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, giá trị văn hóa vùng đất đó. Đồng thời, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang cũng cho rằng, không nên nhìn vào nguyên nhân ở mức vi mô, mà phải nhìn rộng ra cũng như cần có một đánh giá khách quan, khoa học để tìm ra nguyên nhân thực sự.

PGS.TS Nguyễn Tác An cho biết, vịnh Nha Trang không chỉ riêng của địa phương này, mà đó là tài sản của thế giới, vì vịnh Nha Trang được công nhận 1 trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới.

Ngoài yếu tố vịnh đẹp, thì hệ sinh thái dưới biển trong đó có san hô là điều kiện đủ để được công nhận. Mà khi là tài sản chung thì chúng ta phải có chính sách, đường lối sao cho phù hợp để bảo tồn, phát triển chứ không thể khai thác quá mức như hiện nay.

Trước đó, Báo SGGP thông tin “Khu Bảo tồn Hòn Mun trên vịnh Nha Trang có bị xâm hại?”. Trong đó nêu nội dung, dưới đáy biển Hòn Mun tan hoang, không còn những đàn cá, không còn nhiều san hô, hải quỳ và nhiều sinh vật biển. Đáy biển đen ngòm, xơ xác. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, phần lớn san hô bị giảm sút là do các yếu tố khách quan, trong đó có tác động bởi thiên tai...

Tin cùng chuyên mục