Sân khấu cải lương Đổi mới để tồn tại và phát triển

Tọa đàm “Theo dòng lịch sử cải lương tại Sài Gòn” giai đoạn 1955 - 1975, vừa được Hội Sân khấu TPHCM tổ chức, đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các NSND, NSƯT, đạo diễn, tác giả, các nhà nghiên cứu cải lương.
Các nghệ sĩ trẻ tài năng luôn khao khát cơ hội được làm nghề
Các nghệ sĩ trẻ tài năng luôn khao khát cơ hội được làm nghề

Đây là tiền đề mở ra những hướng đi mới cho sân khấu, hướng đến việc tìm kiếm các giải pháp để thay đổi thực trạng, thúc đẩy sự phát triển sân khấu cải lương.

Khẳng định giá trị

Có thể nhận định, giai đoạn sân khấu cải lương trước giải phóng, từ năm 1955 - 1975, là thời kỳ vàng son nhất. Quãng thời gian 20 năm này, sân khấu cải lương có nhiều bước đột phá, phát triển mạnh mẽ, tạo dấu ấn đặc biệt với sự hoạt động của cả trăm đoàn hát tên tuổi, đa phong cách. 

Theo TS Huỳnh Quốc Thắng: “Chỉ trong năm 20 năm, cải lương Sài Gòn phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ ngôn ngữ đến loại hình sân khấu. Vai trò của thầy tuồng, soạn giả và ông bầu (người đầu tư tài chính và quản lý đoàn hát - chủ doanh nghiệp) rất quan trọng. Các vở tuồng được viết theo kiểu đo ni đóng giày đã giúp làm nên tên tuổi nghệ sĩ, tạo được bản sắc rất riêng cho từng người, từng đoàn hát. Sự phát triển đồng bộ của tất cả các khâu sáng tạo, tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp luôn được xem trọng, bầu gánh có sự am hiểu nhất định về chuyên môn… chính là sự thuận lợi của thời cuộc dành cho các đoàn hát, giúp sân khấu cải lương đón nhận nhiều hào quang rạng rỡ”. 

Những giá trị nghệ thuật sân khấu dần được khẳng định góp phần không nhỏ tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng đối với khán giả mê cải lương thời bấy giờ. Sân khấu cải lương sáng đèn hàng đêm, mỗi đoàn hát một phong cách, các tác giả liên tục cho ra đời tác phẩm chất lượng, nghệ sĩ đảm nhận vai diễn và biến hóa trong từng nhân vật. 

NSƯT Hồ Văn Thành nhận định: “Sau ngày giải phóng, từ Nam chí Bắc đều có các đoàn cải lương. Điều này càng khẳng định giá trị của loại hình nghệ thuật này, nó mang tầm vóc quốc gia chứ không phải chỉ là loại hình nghệ thuật của riêng TPHCM hay khu vực phía Nam. Thế nhưng, khi sân khấu khủng hoảng, anh em cứ mạnh ai nấy làm, kiếm cơm theo từng buổi diễn, như vậy thật khó để nói đến chuyện “hồi sinh”. Chúng ta cũng không thể cứ kể quá khứ vàng son mãi, vấn đề quan trọng chính là sự thay đổi gấp rút, cấp tập, quy mô, mang tính chiến lược cho sân khấu cải lương hiện tại”.

Vực dậy bằng các giải pháp

Lây lất hoạt động, le lói sáng đèn là tình trạng mà sân khấu cải lương đã tồn tại trong nhiều năm qua. Sự nỗ lực đơn lẻ của những người làm nghề để duy trì hoạt động sàn diễn, thắp sáng ánh đèn sân khấu bằng các chương trình nghệ thuật xã hội hóa diễn ra trong muôn vàn khó khăn, thách thức; chưa kể thực trạng thiếu nơi diễn đủ chuẩn và thiếu sự quan tâm chỉ đạo sát sao, hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý văn hóa đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương tại TPHCM để giúp cải lương phát triển, lan tỏa rộng khắp. 

NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng: “Cần phải tiếp tục phát triển và làm giàu thêm âm nhạc bài bản cải lương, để các bài bản mới phản ánh cuộc sống hôm nay, có tiết tấu mới, giữ chất tự sự, trữ tình. Mặt khác, cần quan tâm đến các nhân tố tạo nên một sân khấu cải lương gồm: tác giả, nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn, thiết kế, trang trí, phục trang… Chú ý nội dung tác phẩm phản ánh điều gì của xã hội hiện đại. Cần phải xây dựng nhiều đoàn hát đa phong cách, nhưng phong cách gì cũng không nên làm mất đi giá trị nền tảng cơ bản của cải lương. Riêng với những ràng buộc về quy chế, chế độ chính sách, tài chính… nên bàn kỹ với sự tham gia của lãnh đạo thành phố”. 

Là một trong những nghệ sĩ kỳ cựu của làng sân khấu, NSND Thanh Tuấn trăn trở: “Cần thiết phải đầu tư về vấn đề tác giả, tìm tác phẩm hay, có nhà hát tốt đủ chuẩn cho sân khấu cải lương”.

Là thế hệ nghệ sĩ cải lương tiếp nối, đang bám trụ với sân khấu, NSƯT Lê Tứ bày tỏ: “Điều cần quan tâm của hiện trạng sân khấu hiện nay đó là trách nhiệm của người trẻ với nghề. Việc lạm dụng các “máy hát” khiến khán giả hôm nay chán ngán, không thích cải lương. Sân khấu cải lương hiện nay rất cần có tầm nhìn phát triển xa hơn 5-10 năm, đồng thời phải đảm bảo đầu ra cho nghệ sĩ như cách đầu tư, nuôi dưỡng cầu thủ bóng đá vậy. Phải rèn luyện từ nhỏ đến lớn để giỏi chuyên môn, giỏi nghề”. 

Giải pháp cho sân khấu cải lương luôn có, vấn đề là được thực hiện như thế nào cho hợp lý, mang tính chiến lược. Theo NSND Trần Ngọc Giàu: “Nhiều năm qua, thành phố không có chiến lược đầu tư lâu dài nào thiết thực cho sân khấu cải lương. Cần thiết nhất vẫn là hành động thực tiễn để thay đổi. Mặt khác, rất cần khôi phục lại Trung tâm Nghiên cứu sân khấu cải lương của TPHCM để có những ứng dụng vào thực tế, góp phần thay đổi tình hình hoạt động, tổ chức, biểu diễn cải lương hiện nay…”.

Tin cùng chuyên mục