Sân khấu hóa tác phẩm văn học trong trường phổ thông

Lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (nhà văn Tô Hoài), giai điệu hiện đại của bài hát “Để Mị nói cho mà nghe” được học sinh (HS) tái hiện nhằm chuyển tải thông điệp khao khát sống, khao khát tự do mãnh liệt của con người. 

Tương tự, bài thơ “Tây Tiến” (nhà thơ Quang Dũng) với những câu thơ hùng hồn được chuyển thể thành tác phẩm âm nhạc hiện đại có đọc lời rap. Ở một tiết mục khác, chuyện tình cảm động giữa hai nhân vật Lan và Điệp trong bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX qua tiểu thuyết “Tắt lửa lòng” (nhà văn Nguyễn Công Hoan) được tái hiện sinh động bằng hình thức kịch và tân nhạc… Đó là 3 trong số các tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học vừa được HS Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TPHCM) biểu diễn tại buổi sinh hoạt ngoại khóa môn Ngữ văn với chủ đề “Từ tác phẩm văn học đến kịch bản sân khấu” diễn ra đầu tuần qua. 

Theo cô Trần Thị Thơm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann, chương trình được triển khai từ giữa tháng 9-2022. Sau 2 tháng thực hiện, dự án đã chọn ra 8 tiết mục xuất sắc nhất biểu diễn báo cáo tại sân trường. Đây là một trong những hoạt động đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, qua đó giúp HS tiếp cận tác phẩm văn học bằng nhiều hình thức như sân khấu hóa, âm nhạc, nghệ thuật… Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động giúp HS rèn kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp trước đám đông cũng như khả năng tự học, tư duy và sáng tạo. Đặng Minh Trí, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Ernst Thalmann, cho biết, để chuyển thể các tác phẩm văn học, em cùng các bạn trong nhóm phải tìm hiểu kỹ về bối cảnh sáng tác, nội dung tác phẩm, tìm đọc các tài liệu nghiên cứu, đánh giá về giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

“Nhóm em quyết định chuyển thể bài thơ “Tây Tiến” sang giai điệu âm nhạc hiện đại có lời rap với mong muốn người nghe cảm nhận được sự mạnh mẽ, kiên cường của người lính Tây Tiến khi làm nhiệm vụ canh gác biên giới”, Minh Trí chia sẻ. Nhờ sự sáng tạo đó, các tác phẩm văn học trong chương trình giáo dục phổ thông đã vượt ra khỏi khuôn khổ sách vở, trở thành các tác phẩm sân khấu, giúp HS đa dạng hóa phương thức tiếp cận tác phẩm văn học.

Nhiều giáo viên cho biết, qua mỗi dự án học tập, HS thay đổi rõ rệt về nhận thức, thái độ sống, biết trân quý hơn tình cảm gia đình, tình thầy trò, bạn bè. Thông qua các hoạt động, các em có cơ hội phát triển toàn diện kỹ năng và kiến thức, sẵn sàng cho các giai đoạn học tập chuyên sâu ở các bậc học cao hơn.

Tin cùng chuyên mục