Sân khấu kịch nói TPHCM - Tìm hướng đi mới

Ngày 29-5, tại số 5B Võ Văn Tần, TPHCM, Viện Sân khấu – Điện ảnh thuộc Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội phối hợp cùng Báo Sân khấu TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Sân khấu kịch nói TPHCM – Thực trạng và hướng phát triển” với sự tham dự của các nghệ sĩ, giảng viên, đạo diễn, nhà quản lý sân khấu… Báo SGGP trích đăng một số tham luận đáng chú ý tại hội thảo này.
Sân khấu kịch nói TPHCM - Tìm hướng đi mới

Ngày 29-5, tại số 5B Võ Văn Tần, TPHCM, Viện Sân khấu – Điện ảnh thuộc Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội phối hợp cùng Báo Sân khấu TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Sân khấu kịch nói TPHCM – Thực trạng và hướng phát triển” với sự tham dự của các nghệ sĩ, giảng viên, đạo diễn, nhà quản lý sân khấu… Báo SGGP trích đăng một số tham luận đáng chú ý tại hội thảo này.

Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy và nghệ sĩ Hoài Linh (trái) trong chương trình “Ngày sân khấu VN”.

Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy và nghệ sĩ Hoài Linh (trái) trong chương trình “Ngày sân khấu VN”.

  • NSƯT-đạo diễn Trần Minh Ngọc: Chỉ có được tác phẩm thường thường bậc trung

Sân khấu của chúng ta vẫn thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, tác giả có bản lĩnh có dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ. Sân khấu chúng ta chưa có những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người hôm nay.

Nói chung lại sân khấu chưa thấy hoặc chưa có con người của thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hóa phát triển. Chúng ta lại thiếu những người làm phê bình chuyên nghiệp, không có những con mắt khe khắt, sắc sảo vạch đường chỉ lối cho những non yếu, những sai sót của quá trình hình thành tác phẩm sân khấu. Thiếu sự thúc đẩy của phê bình cộng với sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề, sự dễ dãi của người thưởng thức, nói đúng hơn là của người tiêu thụ nên sân khấu chúng ta chỉ mới tạo được những tác phẩm thường thường bậc trung, nặng về giải trí…

  • Thạc sĩ Võ Thị Yến, giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM: Xã hội hóa sân khấu là tất yếu

Tính cách con người Nam bộ, tinh thần thích phiêu lưu, dám đột phá là một ưu thế để các nhà quản lý và nghệ sĩ TPHCM tiến hành hoạt động kinh doanh biểu diễn sân khấu kịch có chiều hướng thuận lợi. Tuy nhiên, tình hình của sân khấu kịch TPHCM vừa qua chưa thể lạc quan. Sự cố gắng của các nhà quản lý các sân khấu hiện nay chỉ mới khẳng định sân khấu kịch thành phố đã thoát khỏi sự khủng hoảng.

Tuy nhiên, vẫn còn vô vàn những khó khăn trước mắt. Với số vốn ít ỏi, cơ sở vật chất thuê mướn, không đảm bảo ổn định lâu dài, lực lượng sáng tạo nghệ thuật hoạt động tự do rất khó quản lý, nhiều diễn viên mải chạy show không trau dồi chuyên môn và đạo đức tư cách nghề nghiệp, một số báo chí truyền thông “lăng-xê” diễn viên không thực chất, các sân khấu vẫn trong tình trạng “nghiệp dư hóa” trong quản lý cũng như biểu diễn...

Cho dù còn nhiều điều cần phải bàn về cái được, cái mất của sân khấu xã hội hóa, nhưng phần nhiều các nhà quản lý nghệ thuật, các nghệ sĩ đều khẳng định xã hội hóa sân khấu là tất yếu để có một nền sân khấu phát triển đa dạng và phong phú.

  • Nghệ sĩ Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM: Vấn đề đào tạo có nhiều bất cập

Muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của sân khấu TPHCM hiện nay, phải có một chủ trương quyết liệt về đội ngũ đào tạo và truyền nghề. Một thực trạng đáng buồn là những nghệ nhân đầy kinh nghiệm về kiến thức chuyên ngành thì không được mời để truyền nghề vì cho rằng họ quá già (?) mà chỉ chú tâm vào những người có danh xưng, trẻ đẹp, quen biết, “ngôi sao”, thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ… Có khi chẳng cần biết có bằng cấp hay không, thậm chí người dạy với trình độ trung cấp không hơn, lại đi dạy bậc cao đẳng!

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xem lại chương trình đào tạo còn quá nhiều bất cập. Đơn cử về môn kiếm thuật phương Tây, hệ đạo diễn thì có 30 tiết nhưng hệ diễn viên thì không có tiết nào? Vậy thì cái kiến thức của người dàn dựng đem ra áp dụng cho ai khi mà diễn viên không được học cái đó? Rồi đạo diễn thì ra sức dàn dựng và vận dụng kiến thức cóp nhặt trong các phim ảnh để cho ra sản phẩm là những tác phẩm sân khấu một cách “ngờ nghệch” như trẻ em chơi nhà chòi vậy… 

VÂN AN (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục