Trong số nhiều hoạt động của Hội Sân khấu TPHCM suốt 30 năm qua có một dấu ấn đẹp góp phần tạo cú hích cho sự phát triển của sân khấu thành phố nói chung và kịch nói nói riêng. Đó là xã hội hóa sân khấu, khởi nguồn từ CLB Sân khấu thể nghiệm 5B của Hội Sân khấu TPHCM.
Khởi đầu thuận lợi...
CLB Sân khấu thể nghiệm 5B ra đời đã tạo “đất dụng võ” cho rất nhiều nghệ sĩ trẻ. Chính “mái nhà” này đã chắp cánh cho nhiều tài năng tỏa sáng, khẳng định được tên tuổi của mình. Trong số đó có thể kể đến: Việt Anh, Thành Lộc, Hữu Châu, Khánh Hoàng, Thanh Thủy… Và khi mô hình sân khấu xã hội hóa này thành công, các nghệ sĩ dần dần tách ra thành lập những điểm diễn riêng của mình. Nào là Kịch Sài Gòn của Phước Sang, Kịch IDECAF của “liên doanh” Huỳnh Anh Tuấn, Thành Lộc, rồi Kịch Phú Nhuận, Supperbowl của “bầu” Hồng Vân, Kịch Hoàng Thái Thanh của Thành Hội, Ái Như… Sau này còn có thêm Nhà hát Thế Giới Trẻ hoạt động tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM. Có thể nói, chính sự nở nồi của các sân khấu xã hội hóa đã làm cho đời sống sân khấu thành phố sôi động hẳn lên.
Đồng thời, qua đó còn góp phần tạo công ăn việc làm cho rất nhiều diễn viên, đạo diễn trẻ. Thậm chí, khi có được cơ hội thuận lợi, các diễn viên, đạo diễn trẻ còn rèn nghề và dần khẳng định tên tuổi của mình với công chúng như Tuyết Thu, Anh Vũ, Thúy Nga, Đức Thịnh, Thanh Thúy… Hiện nay, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của các đơn vị sân khấu xã hội hóa còn hạn chế, vì hầu hết đều phải thuê mặt bằng tập luyện và biểu diễn, nhưng tất cả luôn không ngừng nỗ lực khẳng định “thương hiệu” riêng của mình.
... và phát triển năng động!
Có thể nói, mô hình xã hội hóa sân khấu ở TPHCM ngày càng phát triển ổn định và luôn là niềm mơ ước của bao nghệ sĩ các vùng miền khác mỗi khi nói về sân khấu thành phố. Đó vừa là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của các nghệ sĩ làm sân khấu xã hội hóa của thành phố. Bởi khi làm sân khấu xã hội hóa, các nghệ sĩ phải tự chi, tự thu, lời lỗ tự lo nên sẽ dễ chạy theo thị hiếu, khán giả. Tình hình đó đòi hỏi các nghệ sĩ phải đủ bản lĩnh để dung hòa được tính giải trí, tính thẩm mỹ, giáo dục và chất lượng nghệ thuật. Nhờ có bản lĩnh nên một số sân khấu xã hội hóa của TPHCM còn tạo được chỗ đứng riêng. Còn nhớ ở mùa Hội diễn năm 2009, Sân khấu xã hội hóa Kịch Phú Nhuận của “bầu” Hồng Vân đã ẵm gọn 2 trong số 3 huy chương vàng dành cho vở diễn và mới đây là Sân khấu Kịch Sài Gòn của “bầu” Phước Sang với một chiếc huy chương vàng dành cho vở diễn. Bên cạnh đó còn có một số đơn vị đoạt huy chương bạc, giải đặc biệt…
Và có cả những đơn vị không tham gia hội diễn nhưng vẫn miệt mài lao động nghệ thuật, thường xuyên mang lại cho khán giả thành phố nhiều vở diễn mới, có sức hấp dẫn. Ngày càng có nhiều đơn vị dám đầu tư vào những đề tài khó, dám thực hiện nhiều vở diễn mới, chương trình mới có chất lượng phục vụ công chúng. Có những đơn vị còn chú trọng góp phần xây dựng lớp khán giả mới cho sân khấu như tại Kịch IDECAF của “bầu” Huỳnh Anh Tuấn. Hơn 10 năm nay, Kịch IDECAF đã thực hiện hơn 20 chương trình nhạc kịch “Ngày xửa ngày xưa” biểu diễn hàng trăm suất diễn phục vụ thiếu nhi thành phố. Từ đó bổ sung cho sân khấu kịch người lớn một lượng khán giả đáng kể. Nhờ vậy mà khán giả Sân khấu IDECAF luôn ổn định và có phần “trẻ hóa” theo thời gian.
Sự năng động của các sân khấu xã hội hóa đã góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh của sân khấu thành phố luôn khởi sắc, thu hút công chúng. Đây có thể được xem như là một trong những dấu son đối với sân khấu cả nước nói chung và TPHCM nói riêng!
Đỗ Hạnh