Trong những ngày qua, người tiêu dùng khi đến mua hàng tại hệ thống siêu thị Co.op rất quan tâm đến túi nylon tự hủy. Có thể nói, đây là lần đầu tiên người tiêu dùng tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung được tiếp cận và sử dụng loại túi thân thiện môi trường này. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện về việc sử dụng loại túi này vẫn còn không ít tranh cãi và băn khoăn của cả người tiêu dùng, nhà phân phối và cả doanh nghiệp sản xuất.
Doanh nghiệp gõ cửa khắp nơi
Để được chứng nhận là sản phẩm thân thiện môi trường, bắt buộc phải dựa trên một tiêu chí nhất định. Điều này cũng giống như việc doanh nghiệp muốn chứng minh hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu của các cơ quan chức năng, họ phải dựa vào quy chuẩn Việt Nam đối với loại nước thải thuộc ngành nghề mà mình đang hoạt động. Thế nhưng, đáng tiếc là cho đến nay các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn đang phải tự loay hoay với việc tìm đâu ra cơ quan chức năng và tiêu chí để có thể khẳng định, chứng nhận sản phẩm của mình là thân thiện với môi trường.
Ông Hoàng Văn Điều, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Văn hóa Tân Bình, cho biết từ năm 2003, công ty đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ để sản xuất loại bao bì tự hủy. Tuy nhiên, cho đến nay ở thị trường trong nước, sản phẩm của công ty vẫn chưa thể khẳng định là bao bì tự hủy vì chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra chứng nhận vấn đề này và cũng chưa có bất kỳ tiêu chí nào quy định thế nào là bao bì tự hủy. Trước thực tế đó, công ty đã phải tìm đến các chứng nhận bao bì tự hủy của các tổ chức độc lập trên thế giới. Chỉ có điều, những chứng nhận này lại không có bất kỳ giá trị pháp lý nào đối với trong nước. Do đó, thật dễ hiểu tại sao cho đến nay sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, sản phẩm của công ty chỉ có thể xuất khẩu sang nước ngoài mà chưa thể bán cho thị trường nội địa.
Tương tự, tại cuộc họp đánh giá chất lượng bao bì tự hủy do Saigon Co.op tổ chức. Trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học và công ty chuyển giao công nghệ sản xuất bao bì tự hủy của Chính phủ Anh là Reverte. Bản thân Công ty Reverte khẳng định bao bì Well plastics của công ty là tự hủy hoàn toàn. Khẳng định này dựa trên nhiều nghiên cứu, kiểm tra thực tế và đã được nhiều tổ chức kiểm định độc lập trên thế giới chứng nhận. Tuy nhiên, những dẫn chứng này cũng khó để nhiều nhà khoa học không hoài nghi về hiệu quả cũng như tính phù hợp với điều kiện thực tế tại nước ta. Một điều quan trọng khác là do nước ta chưa có bất kỳ văn bản định nghĩa khái niệm bao bì tự hủy cũng như tiêu chuẩn của loại bao bì nên đã tạo không ít lúng túng cho cả nhà sản xuất cũng như nhà phân phối.
Người tiêu dùng oằn mình gánh thuế
Thiếu những quy định từ cơ quan chức năng cộng với sự phân vân của các nhà khoa học đã gây không ít khó khăn cho người tiêu dùng. Trong đó, có cả nhà phân phối như Saigon Co.op và người dân. Về phía Saigon Co.op, sau khi ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học thì chỉ có thể đồng ý triển khai thí điểm sử dụng bao bì tự hủy tại hệ thống siêu thị Co.op trên địa bàn TPHCM. Còn việc triển khai rộng trên toàn quốc thì cần cân nhắc thêm. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế chất thải TPHCM, khẳng định việc Saigon Co.op đi tiên phong trong việc sử dụng bao bì tự hủy là việc làm đáng khích lệ.
Thế nhưng, về lâu dài, nhà nước cần sớm có quy định cụ thể về loại sản phẩm này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư sản xuất, bản thân nhà phân phối, cung cấp hay người tiêu dùng cũng mạnh dạn hơn trong việc chuyển sang sử dụng loại bao bì này. Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nhấn mạnh thêm, hiện đối với loại bao bì nylon gây hại môi trường, cơ quan chức năng còn chưa có quy định nào cấm hoặc giảm thiểu sử dụng thì việc Saigon Co.op chuyển sang sử dụng bao bì tự hủy (tuy chưa được chứng nhận tại nước ta) là điều đáng ghi nhận. Huống hồ, loại bao bì này lại có giá thành đắt hơn bao bì thông thường (khoảng 10%-15%, theo Ban giám đốc Co.op).
Đầu năm 2012, dự kiến Luật Thuế môi trường sẽ được áp dụng. Theo đó, bao bì nylon sẽ bị áp thuế lên đến 150%-200%. Điều đáng nói, việc áp dụng thuế này sẽ tăng thêm nặng gánh cho người dân vì họ không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác. Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc đánh thuế vào các sản phẩm không thân thiện với môi trường nhằm chuyển hướng tiêu dùng của người dân sang sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Và muốn làm được điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng, tức đầu tư sản xuất sản phẩm thay thế sản phẩm gây hại cho môi trường.
Thế nhưng, tại nước ta thì ngược lại, thời hạn áp dụng thuế môi trường lên sản phẩm gây hại cho môi trường đã cận kề nhưng lại chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho việc thay thế tiêu dùng. Bản thân doanh nghiệp chủ động đón đầu cơ hội nhưng cũng đang gặp không ít gian nan. Vậy nên chăng các cơ quan chức năng cần chủ động hơn trong việc sớm ban hành những quy định về sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. Còn về phía người dân cũng sẽ được hưởng lợi hơn từ việc đa dạng hóa sự lựa chọn tiêu dùng. Và đặc biệt hơn, chất lượng môi trường sẽ từng bước được cải thiện rõ nét hơn.
ÁI VÂN