Hàng năm khi mùa kinh doanh cao điểm Tết Nguyên đán khép lại, các sở, ngành chức năng, các doanh nghiệp (DN) của TPHCM lại tất bật xây dựng kế hoạch cho một chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) mới để có thể triển khai thực hiện vào ngày đầu tiên của quý 2.
Nói cách khác, ngay khi lo hàng hóa cho mùa tết này vừa qua, thì TPHCM lại bắt tay chuẩn bị hàng hóa cho tết kế tiếp, năm này tiếp nối năm khác. Bởi đặc trưng của thị trường TPHCM là vậy, với dân số tiêu dùng lên tới 10 triệu người, lại là nơi trung chuyển hàng hóa đến nhiều vùng, miền trong cả nước cũng như xuất khẩu hàng hóa đến nhiều quốc gia. Vì thế, nếu không có sự chuẩn bị thật chu đáo, đầy đủ về cung - cầu hàng hóa sẽ không thể ổn định được thị trường, giá cả, đặc biệt là mùa tết.
Năm 2015 và Tết Bính Thân 2016 cũng không là ngoại lệ. Nhưng so với những năm trước, CTBOTT năm 2015 đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, khẳng định sự lớn mạnh và vượt trội về nhiều mặt, với 85 DN tham gia, tăng 9 DN so với năm 2014, trong đó có 11 ngân hàng và 74 DN sản xuất - kinh doanh. Đây là năm thứ 14 TPHCM thực hiện CTBOTT và là năm thứ 3 áp dụng mô hình xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách, với 4 chương trình chính gồm: CTBOTT các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu, CTBOTT mùa khai trường, CTBOTT các mặt hàng sữa và CTBOTT các mặt hàng dược phẩm thiết yếu. Năm 2015 là năm thứ 2 CTBOTT tiếp tục sử dụng logo tại các điểm bán, xe lưu động, trên các bao bì sản phẩm của DN. Logo của chương trình đã được 100% DN tham gia sử dụng tại các điểm bán và được quảng bá thường xuyên trên chuyên trang CTBOTT Báo Sài Gòn Giải Phóng và Báo Sài Gòn Tiếp Thị.
Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung cũng như chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm với giá cả phù hợp, đủ khả năng chi phối và dẫn dắt thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân TP. Cách triển khai chương trình ngày càng đa dạng, đi vào chiều sâu và chuyên nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tăng cường liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sức mạnh để cung ứng hàng hóa cho chương trình. Biểu hiện rõ nhất, trong tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký thực hiện CTBOTT là 11.850 tỷ đồng, thì các ngân hàng đã dành một khoản khá lớn cho các DN sản xuất, kinh doanh phát triển hệ thống phân phối trong chuỗi cung ứng hàng hóa gắn kết trực tiếp với các DN tham gia CTBOTT, trong đó ưu tiên hàng đầu cho các HTX sản xuất nông sản - thực phẩm.
Điểm nổi bật của CTBOTT năm 2015 là TPHCM đã tiến hành xây dựng và công bố 310 điểm bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… giúp người dân yên tâm lựa chọn mua sắm và tiêu dùng. Hiện Sở Công thương TPHCM đang phối hợp với các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tiếp tục công bố nhiều điểm bán đạt chuẩn an toàn trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Bộ Công thương, chương trình thí điểm xây dựng thành công mô hình cửa hàng “3 trong 1” đầu tiên tại quận 4 điểm kinh doanh 100% hàng Việt, điểm bán hàng BOTT và là điểm phân phối thực phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Trên cơ sở hiệu quả của mô hình, hiện nay Sở Công thương đang phối hợp UBND các quận - huyện, các DN trên địa bàn TP rà soát mặt bằng phù hợp để nhân rộng mô hình.
Kết quả thực hiện các CTBOTT năm 2015 và Tết Bính Thân 2016 đạt tổng doanh gần 18.000 tỷ đồng, trong đó, doanh thu các nhóm hàng lương thực - thực phẩm bình ổn đạt trên 15.300 tỷ đồng, tăng 10,88% so với năm 2014; CTBOTT các mặt hàng sữa đạt doanh thu gần 1.680 tỷ đồng; CTBOTT các mặt hàng mùa khai trường đạt hơn 580 tỷ đồng và CTBOTT các mặt hàng dược phẩm đạt hơn 115 tỷ đồng. Tính đến nay, CTBOTT đã phát triển được 10.140 điểm bán, tăng 1.173 điểm so với đầu chương trình 2015 (tức ngày 1-4-2015), trong đó CTBOTT lương thực - thực phẩm có 3.943 điểm bán (tăng 341 điểm); CTBOTT mùa khai trường có 824 điểm bán (tăng 40 điểm); CTBOTT các mặt hàng sữa 1.521 điểm bán (tăng 109 điểm) và CTBOTT dược phẩm 3.852 điểm bán (tăng 683 điểm).
Trao đổi với chúng tôi khi bước vào thực hiện chương trình mới, CTBOTT năm 2016, nhiều DN cho biết, họ đang cố gắng để hoàn thiện về nhiều mặt như đổi mới máy móc thiết bị theo hướng hiện đại hóa sản xuất; khép kín quy trình đầu tư trong chăn nuôi, tiến tới tự chủ về nguồn hàng; tăng cường dự trữ nguyên vật liệu, tiết giảm các chi phí nhằm ổn định giá cả, tăng sức cạnh tranh sản phẩm và phát triển mạnh hệ thống phân phối.
Trong bối cảnh các DN Việt Nam còn nhiều điểm yếu, nguồn cung đối với một số mặt hàng chưa đủ mạnh, hệ thống phân phối hàng hóa chưa hoàn thiện thì việc nhà nước đứng ra làm “bà đỡ”, thông qua CTBOTT trong những năm vừa qua là rất hiệu quả. Đặc biệt, chương trình đã có sự “lột xác” bằng việc ngưng hỗ trợ vốn từ ngân sách với lãi suất 0%, thay vào đó TP đã đưa chương trình kết nối ngân hàng với DN để các thành phần DN cùng tham gia bình ổn thị trường. Với cách làm này, TPHCM gần như hoàn thành việc hỗ trợ, nuôi dưỡng và quy tụ được các DN mạnh cùng tham gia chương trình, qua đó thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của mình trước cộng đồng, xã hội.
Là người theo dõi xuyên suốt ngay trong những ngày đầu TP triển khai thực hiện chương trình, chúng tôi nhận thấy, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN thì thành công của chương trình chính là sự tận tậm, tận lực của các lãnh đạo TP, các sở, ngành, trong đó có mồ hôi và cả nước mắt của không ít cán bộ có trách nhiệm trực tiếp triển khai, thực hiện chương trình. Sự nâng niu, chăm chút cho chương trình đã thể hiện rõ qua từng bước đi chiến lược, đó là hỗ trợ vốn ngân sách, sau đó tiến tới rút dần nguồn vốn này, rồi thực hiện việc kết nối giữa các DN nhằm đảm bảo có được nguồn vốn với lãi suất hợp lý nhất cho DN mạnh dạn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, và nay là tiến tới việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cho DN, cho chương trình, thông qua logo sẽ được in trên bao bì của sản phẩm… Có lẽ, chính những điều này đã làm nên sự khác biệt của CTBOTT tại TPHCM, đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước.
THÚY HẢI