Sản xuất chế biến gỗ giành lại “sân nhà”

Xuất khẩu: 120 quốc gia và vùng lãnh thổ
Sản xuất chế biến gỗ giành lại “sân nhà”

Vừa qua (ngày 18-11), gần 150 doanh nghiệp tiêu biểu ngành gỗ trong và ngoài nước với 400 gian hàng đã tập trung tại Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam VIFA Home 2010. Mục đích chính của những nhà chế biến gỗ Việt Nam tại hội chợ lần này là chiếm lại “sân nhà” vốn bị bỏ quên bấy lâu nay.

Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam VIFA Home 2010.

Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam VIFA Home 2010.

Xuất khẩu: 120 quốc gia và vùng lãnh thổ

Theo nhận định của Bộ Công thương, nhờ thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam phục hồi trở lại sau đợt suy thoái kinh tế thế giới cuối năm 2008 và 2009 nên kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm nay nhiều khả năng sẽ đạt 3,2 – 3,3 tỷ USD (chỉ tiêu 3 tỷ USD). Một số thị trường mới có tiềm năng như Nga, Ấn Độ, Trung Đông… cũng đã được doanh nghiệp (DN) tiếp cận.

Như vậy, sản phẩm đồ gỗ chế biến Việt Nam đã có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 3 thị trường chính của ngành gỗ là Mỹ, EU và Nhật Bản, các thị trường này đã có sự phục hồi tốt. Thị trường Mỹ tăng trưởng đến 15%, EU khoảng 8%...

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, năm 2011 nhu cầu sản phẩm gỗ chế biến thị trường thế giới còn lớn hơn, không ít công ty đã nhận đơn hàng gần hết năm 2011. Với tốc độ hiện nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến nhiều khả năng vượt 4 tỷ USD, như vậy sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2010.

Đồ gỗ trở thành mặt hàng xuất khẩu thứ 5 sau dệt may, dầu thô, giày dép và thủy sản. Việt Nam đã vượt qua Indonesia, Thái Lan trở thành 1 trong 2 nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất vùng Đông Nam Á. Không chỉ cạnh tranh thị phần đồ gỗ ngoài trời, các DN còn lấn sân sản phẩm đồ gỗ nội thất, trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ nội thất thứ 3 thế giới vào Mỹ.

Xu hướng đặt hàng gỗ nội thất tại Mỹ - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, đã được nhà nhập khẩu đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Năng lực cạnh tranh và chế biến gỗ của Việt Nam tăng gấp 4-5 lần so với năm 2003, giảm tỷ lệ giá trị nguyên liệu gỗ so với trị giá xuất khẩu thành phẩm từ trên 50% xuống 37%. 

Đừng quên 86 triệu người!

Năm 2009, lần đầu tiên sau nhiều năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam chựng lại do suy thoái kinh tế thế giới, các doanh nghiệp nhận thấy, nếu chỉ miệt mài chinh phục thị trường nước ngoài coi như đứng trên một chân, sẽ khó “thăng bằng” khi thị trường luôn biến động. Cần phải có “chân trong” vững vàng làm hậu thuẫn.

Vì vậy, không thể bỏ mặc cho thị trường trong nước đang bị nước ngoài chiếm lĩnh. Doanh số nhu cầu nội địa hàng năm vào khoảng 3 tỷ USD, 80% chủ yếu hàng từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia. Khi kinh tế xã hội phát triển, nhu cầu tiêu dùng này sẽ còn tăng nhiều hơn.

Với dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, các dự án được xây dựng làm tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm đồ gỗ trang trí nội thất cao cấp cho các cao ốc chung cư, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, khu nghỉ dưỡng, biệt thự...

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ trong nước tăng trưởng bình quân 15%/năm, gấp đôi mức tăng trưởng thế giới, đặc biệt lợi nhuận từ thị trường nội địa còn cao hơn xuất khẩu. Theo HAWA, chỉ riêng nhu cầu nội thất ở những dự án căn hộ cao cấp tại TPHCM và Hà Nội lên đến cả trăm triệu USD/năm.

Đó là chưa nói đến thị trường bất động sản trong nước đang có những chuyển động trở lại cùng hàng loạt dự án nhà ở và văn phòng đã khởi công làm tăng thêm nhu cầu sử dụng đồ gỗ và trang trí nội thất.

Ngoài ra, với mức sống ngày càng cao, nhu cầu sử dụng đồ gỗ gia dụng và trang trí nội thất của người dân ngày càng nhiều. Nếu chiếm lại thị phần thị trường nội địa, các DN có cơ hội phát triển căn cơ hơn. Lợi thế của các DN là sân nhà, chi phí vận chuyển thấp, đặc biệt am hiểu thị hiếu và phong cách sống của người Việt Nam.

Do đó, đồ gỗ do DN Việt Nam chế biến hoàn toàn có khả năng đánh bại hàng nước ngoài, đa số là hàng chất lượng trung bình và thấp. Thực tế, những cửa hàng nội thất của Hoàng Anh Gia Lai, Chi Lai, Nhà Xinh, Trường Thành… thời gian qua đã có những bước xâm nhập thị trường nội địa một cách chắc chắn. 

Cần một cầu nối

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, hầu hết DN đều đã quen sản xuất với đơn hàng lớn, nay để khai thác thị trường nội địa gặp không ít khó khăn về số lượng, thị hiếu, nhưng quan trọng nhất là hệ thống phân phối. Vì vậy hội chợ là dịp để nắm bắt nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.

Đó cũng là lý do xuất hiện gian hàng ngôi nhà chung HAWA gồm liên minh các DN như đồ gỗ nội thất Scansia, AA, Nhà Xinh, cửa sổ Việt Collection, ván sàn Gosaco, khung trần, vách ngăn Vĩnh Tường, rèm cửa Khôi Anh, đèn trang trí TTD… giúp khách hàng nhìn ngắm không gian nội thất hoàn chỉnh. Và có thể qua đó đặt hàng.

Sau hội chợ, ông Thắng cho rằng, các DN có thể cùng hình thành công ty chuyên về phân phối mặt hàng gỗ chế biến cho các DN. Vì năng lực, tay nghề, đội ngũ thiết kế của DN không thiếu, chỉ thiếu hệ thống tiêu phân phối. Điều này bản thân từng DN chưa thể làm được.

Theo Ban tổ chức hội chợ, đây là dịp kết nối cơ hội kinh doanh giữa nhà sản xuất và phân phối đồ gỗ trang trí nội thất, nhằm đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, giúp người tiêu dùng hiểu hơn thế mạnh đồ gỗ Việt Nam, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt. 

Nếu không kể năm 2009 do khủng hoảng tài chính, ngành hàng gỗ chế biến có tốc độ tăng trưởng rất ngoạn mục trong những năm qua. Năm 2004, xuất khẩu gỗ chế biến vượt ngưỡng 1 tỷ USD, tăng 88% so với năm 2003, năm 2005 tăng 35% và năm 2006 tăng 24,5%...

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục