Sản xuất công nghiệp TPHCM tăng trưởng khả quan

Tháng thứ 8 liên tiếp, sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn TPHCM đạt mức tăng trưởng cao. Hàng loạt chính sách được triển khai, bên cạnh dòng vốn dồi dào chảy vào ngành sản xuất đã kích thích cộng đồng doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh.
Sản xuất công nghiệp TPHCM tăng trưởng khả quan

Tháng thứ 8 liên tiếp, sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn TPHCM đạt mức tăng trưởng cao. Hàng loạt chính sách được triển khai, bên cạnh dòng vốn dồi dào chảy vào ngành sản xuất đã kích thích cộng đồng doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh.

        22/26 ngành tăng trưởng

Theo Sở Công thương TPHCM, lũy kế SXCN 8 tháng đầu năm 2013 tăng 5,5% so cùng kỳ năm 2012, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,4% so cùng kỳ. Chỉ số tồn kho toàn ngành tại thời điểm 1-8-2013 tăng 5,9% so thời điểm 1-7. Đáng chú ý, trong 26 ngành sản xuất có 22 ngành có sản lượng tăng, trong đó một số ngành có mức tăng cao hơn mức tăng chung toàn ngành. Chỉ có 4 ngành giảm là ngành khai khoáng khác, in, sản xuất ô tô và sản xuất phương tiện vận tải khác. Chỉ số SXCN 4 ngành công nghiệp trọng yếu lũy kế 8 tháng tăng 4,9% so với cùng kỳ. Sở Công thương TP ước tính, 9 tháng đầu năm 2013, SXCN sẽ tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2012; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,6%.

Sản xuất động cơ nổ xuất khẩu tại Công ty SVEAM. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất động cơ nổ xuất khẩu tại Công ty SVEAM. Ảnh: CAO THĂNG

Đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, 8 tháng qua ước đạt 389.377 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch năm 2013, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 69.460 tỷ đồng, chiếm 17,8%, tăng 7,5%; kinh tế ngoài nhà nước 303.856 tỷ đồng, chiếm 78%, tăng 12,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16.062 tỷ đồng, chiếm 4,1%, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Ước 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 446.110 tỷ đồng, đạt 70,5% kế hoạch năm 2013, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu thương nghiệp đạt 358.090 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Về xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm (không tính dầu thô) ước đạt 30.396 triệu USD, tăng 2.478 triệu USD so với cùng kỳ (tăng 8,9%). Trong đó, hàng xuất khẩu ước đạt 12.980 triệu USD, chiếm 42,7% và hàng nhập khẩu đạt 17.416 triệu USD, chiếm 57,3%. Ước tính 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20.840 triệu USD, chiếm 61,3% kế hoạch năm, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 3,2%). Loại trừ trị giá dầu thô, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14.920 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 1,1%).

        Vốn chảy vào sản xuất

Nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng dồi dào, thanh khoản được cải thiện rõ rệt, lãi suất giảm (4 lĩnh vực ưu tiên dao động từ 9 - 10%/năm và các khoản vay cũ phần lớn về dưới 13%/năm) đã giúp doanh nghiệp bắt đầu mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tổng dư nợ tín dụng đã có chuyển biến tích cực tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 4,8% so với cuối năm 2012 và tăng 17,8% so cùng kỳ. Ngoài ra, ngành công thương đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, UBND các quận, huyện tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Kết quả có 12 chương trình được kết nối với trên 4.224,6 tỷ đồng được ký kết đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp thành phố tăng trưởng. “Tuy nhiên, có 2/4 ngành công nghiệp trọng yếu có mức tăng thấp. Nguyên nhân do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn; lãi suất vẫn còn cao và chưa ổn định; sức mua thị trường thấp; các chính sách về thuế, phí chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào các dự án đòi hỏi vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài, suất sinh lợi chưa cao” - ông Lai phân tích.

Ở lĩnh vực thương mại, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa, trừ biến động giá, lượng hàng hóa - dịch vụ tiêu thụ (quy mô thị trường) có xu hướng tăng cao dần và cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,7%). Điều này cho thấy sức mua của thị trường đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thương mại 8 tháng đầu năm 2013 thấp hơn cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ tăng 17,8% và năm 2011 tăng 23,1%). Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế còn nhiều khó khăn, cầu tiêu dùng khu vực dân cư có phần suy giảm; nguồn thu ngân sách đạt thấp, chi tiêu công cũng bị thắt chặt để giảm bội chi ngân sách và kiềm chế lạm phát. Mặc dù hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định; các trung tâm thương mại, siêu thị áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nên sản lượng tiêu thụ tăng nhưng doanh thu tăng không cao. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng các tháng gần đây đã tăng trở lại nhưng vẫn còn thấp, cầu đầu tư khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng gặp khó khăn và tăng trưởng thấp.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn kim ngạch nhập khẩu đã góp phần cùng cả nước cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán; góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đã không giữ được mức giá trị cùng kỳ (giảm 2,8%), xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng (nhập khẩu tăng 16,5%) phần nào cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp của thành phố. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu trung bình nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm 2012 làm cho kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm hoặc tăng thấp. Mặt khác, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp, hạn chế nhập khẩu nên một số thị trường xuất khẩu truyền thống giảm so cùng kỳ.

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai cho biết, SXCN những tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 và cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Điều này cho thấy các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp mà TP tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ đã góp phần thúc đẩy hoạt động SXCN phục hồi dần đà tăng trưởng, quy mô sản xuất được mở rộng.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục