Sản xuất theo tín hiệu thị trường

Tình trạng “giải cứu” nông sản vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều mùa vụ trong năm qua, nhưng ngược lại, nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến, nhà phân phối bán lẻ lại khó tìm nhà cung cấp nông sản ổn định và đảm bảo chất lượng. 
Trước bối cảnh này, ngành công thương khu vực phía Nam đã nỗ lực tăng cường các giải pháp hiệu quả để kết nối cung - cầu hàng hóa dựa trên tín hiệu thị trường.
Sản xuất theo tín hiệu thị trường ảnh 1 Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp mời gọi doanh nghiệp TPHCM tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản cho tỉnh
 Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “giải cứu” nông sản trong năm 2017 vẫn tiếp diễn, cũng như những năm trước đó luôn xảy ra thường xuyên là do một số bất cập trong việc tổ chức sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ nông sản chưa hình thành được chuỗi cung ứng cung - cầu.
Song song đó, vấn đề không kết nối được thông tin thị trường giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng, dẫn đến các đơn vị sản xuất vẫn dựa trên cơ sở năng lực sẵn có chứ không hướng đến đáp ứng nhu cầu thị trường hay thị hiếu người tiêu dùng. 
Còn một số nhà bán lẻ tại TPHCM cho biết, hầu hết các đơn vị sản xuất, hợp tác xã, trang trại đều có quy mô nhỏ lẻ, chưa thật sự nâng cao nhận thức và ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao nên sản phẩm khó có tính ổn định về chất lượng lẫn số lượng. Đơn cử, muốn cung ứng sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… cần có hồ sơ bao gồm những chứng nhận về an toàn thực phẩm, cam kết nguồn cung, điều kiện vận chuyển… nhưng rất ít đơn vị thực hiện được.
Để góp phần thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong và ngoài nước, nhiều năm qua, TPHCM đã duy trì tổ chức hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành” thường niên hàng năm. Cụ thể, tại hội nghị tổ chức năm 2017 đã thu hút 2.794 doanh nghiệp đến từ 39 tỉnh thành tham gia với 450 gian hàng; đồng thời, kết nối hơn 520 hợp đồng ký kết giữa cộng đồng doanh nghiệp TPHCM với các tỉnh thành khác.
Còn trong giai đoạn 2012 - 2016, hội nghị đã kết nối hơn 1.760 hợp đồng. Đặc biệt, qua 5 năm triển khai hội nghị, Sở Công thương TPHCM với các tỉnh thành đã đẩy mạnh trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương để bàn giải pháp khai thác thế mạnh của từng địa phương. 
Đánh giá TPHCM là thị trường tiêu thụ lớn đối với hàng hóa, đặc sản của nhiều địa phương, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho rằng đây là nguyên nhân mà các tỉnh thành luôn đặt mục tiêu đưa sản phẩm, đặc sản địa phương vào thị trường TPHCM.
Trong đó, nhiều địa phương không ngừng cải thiện năng lực sản xuất để chen chân vào trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị… Riêng tỉnh Long An là địa bàn giáp ranh với TPHCM nên các sở ngành của tỉnh đang nỗ lực triển khai mục tiêu đưa hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại tại TPHCM nhằm hạn chế tình trạng phân phối nông sản qua mạng lưới thương lái. 
Tuy nhiên, đại diện các tỉnh, thành cũng nhấn mạnh công tác kết nối cung - cầu cần hài hòa lợi ích của các bên thì mới đạt hiệu quả cao. Cơ quan quản lý mặc dù tạo cơ chế chính sách định hướng và thông tin thị trường, nhưng việc xác định ngành hàng thế mạnh, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh là vấn đề đòi hỏi sự tham gia tích cực của các hiệp hội, hợp tác xã và doanh nghiệp. Trong đó, không nên kết nối theo phong trào mà phải có chiến lược mang tầm địa phương, kết hợp với sự hỗ trợ của nhà bán lẻ về thông tin thị trường mới có thể đưa hàng hóa đến người tiêu dùng. 
Liên quan đến hoạt động kết nối cung - cầu giữa TPHCM với các tỉnh thành, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, đây là hoạt động có vai trò và ý nghĩa quan trọng để tạo đầu ra cho sản phẩm đặc sản của từng địa phương cũng như tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào cho thành phố. Do đó, kỳ vọng việc kết nối với nhiều tỉnh thành sẽ hướng đến xây dụng chuỗi liên kết tạo ra quy trình từ sản xuất kinh doanh đến phân phối tiêu thụ nông sản.
TPHCM luôn cam kết tiếp tục cung cấp những sản phẩm công nghệ để đưa vào ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, tăng cường tập trung triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại gắn liền với hưởng ứng thiết thực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục