Sáng kiến xanh giúp giảm rác thải y tế

Các sản phẩm bảo hộ cá nhân (PPE) đã qua sử dụng trong đại dịch Covid-19 đang tạo ra một núi rác thải nhựa y tế, đe dọa môi trường đất và nước. Trước nguy cơ này, một số doanh nhân trẻ trên thế giới đã có sáng kiến biến PPE thành vật liệu hữu ích. 
Sản phẩm bảo hộ cá nhân của MEDU Protection
Sản phẩm bảo hộ cá nhân của MEDU Protection

Cô sinh viên Tamara Chayo, 21 tuổi, chủ doanh nghiệp MEDU Protection ở Mexico, đã sáng tạo ra một loạt sản phẩm PPE có thể tái sử dụng với hy vọng giảm thiểu hàng tấn đồ bảo hộ dùng một lần, đồng thời giúp các bệnh viện tiết kiệm đáng kể ngân sách. Với kiến thức học được từ chuyên ngành kỹ sư hóa, Tamara Chayo cùng nhóm bạn trẻ ở MEDU Protection đã sản xuất thành công sản phẩm bảo hộ có thể tái sử dụng nhiều lần. Với một bộ bảo hộ bình thường, trong một ngày, các bác sĩ có thể phải thay 2 - 4 bộ, trong khi PPE của công ty cô có thể sử dụng cả ngày và giặt 50 lần mà không mất đi khả năng bảo vệ. 

Các bộ PPE của MEDU Protection được gắn công nghệ mã QR, giúp thông tin cho các nhân viên y tế thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh về số lần thiết bị đã được giặt. Sau 50 lần giặt, các PPE được chuyển trở lại MEDU Protection để khử trùng và biến chúng thành các loại bàn chải cọ hay túi bọc chính các sản phẩm PPE sau này.
Chayo dự định mở rộng sản xuất sang Mỹ và Pháp, hy vọng bộ đồ bảo hộ tái sử dụng của mình có thể giúp giảm 90% chi phí cho PPE hiện nay ở các bệnh viện.

Tại Anh, các doanh nghiệp cũng đang tìm cách tái chế PPE, biến chúng thành mọi thứ, từ hộp đựng đồ đến… gạch. Ở xứ Wales, Thermal Compaction Group (TCG) đã tạo ra các máy nấu chảy găng tay, khẩu trang, áo bảo hộ, mũ chùm tóc, tấm ngăn y tế và tái chế thành gạch nhựa. Nhiệt độ trong máy Sterimelt and Curtainmelt của TCG trên 300oC, đủ để tiêu diệt virus SARS-CoV-2 và các mầm bệnh khác.

Giám đốc TCG Mat Rapson cho biết, cứ 10.000kg sản phẩm nhựa được tái chế là giảm được khoảng 6.500kg khí thải CO2, chủ yếu nhờ việc giảm vận tải và đốt rác. Nhựa tái chế còn có thể được sử dụng để sản xuất bất kỳ thứ gì từ ghế học sinh đến sợi in 3D và chỉ may. Hiện có 5 bệnh viện ở Anh đã bắt đầu sử dụng máy của TCG. Công ty cũng kết nối với các nhà phân phối tại Canada, Australia, Hungary và nhiều nước khác.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, Binish Desai, 27 tuổi, nhà sáng lập Công ty Eco-Eclectic Technologies, cũng biến PPE thành gạch và tấm panel xây dựng để xây nhà, xây tường với chi phí thấp. Desai đã bắt đầu làm gạch từ rác thải nhựa khi còn rất trẻ và đã sáng tạo ra một loại gạch mới từ khẩu trang đã được khử trùng và giấy thải nghiền vụn. Anh cho biết, gạch được làm từ nhựa thải cứng gấp 3 lần gạch làm từ đất, có kích cỡ gấp đôi, trong khi chi phí chỉ bằng phân nửa. Công ty của Desai đang hướng đến xuất khẩu sang Anh, Mỹ, Canada và Brazil. Ban đầu, Desai định xuất khẩu gạch sang Brazil, nhưng sau đó muốn xây dựng một nhà máy ở đây để xử lý rác thải tại chỗ. Desai hy vọng Ấn Độ sẽ trở thành một nước đi đầu thế giới về công nghệ không rác thải.

Thống kê trên tờ Environmental Science and Technology cho thấy, mỗi tháng có khoảng 129 tỷ khẩu trang và 65 tỷ găng tay dùng một lần, hầu hết làm từ sợi nhựa, được sử dụng. Liên hiệp quốc ước tính, khoảng 75% rác thải nhựa do dịch bệnh (gồm rác thải y tế và các loại túi đóng gói do hoạt động giao hàng tại nhà vì phong tỏa) sẽ được đưa tới các bãi rác hoặc đổ ra biển. 

Tin cùng chuyên mục