Bộ Tư pháp Hàn Quốc vừa ban hành quy định mới về việc xét duyệt cấp thị thực cho người nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc và định cư tại nước này.
Theo quy định mới, người nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc muốn xin cấp thị thực nhập cư phải đạt trình độ trên cấp I trong kỳ thi năng lực tiếng Hàn (TOPIK) do Bộ Giáo dục Hàn Quốc, Viện Giáo dục quốc tế quốc gia (NIIED) tổ chức, hoặc phải hoàn thành khóa học tiếng Hàn trình độ trên sơ cấp tại cơ sở giáo dục được Bộ Tư pháp công nhận.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về kinh tế cũng được thắt chặt hơn. Người chồng hoặc vợ là người Hàn Quốc phải có thu nhập khoảng 14.000 USD/năm, tương đương tiêu chuẩn của 2 người, tức 120% mức sinh hoạt tối thiểu tại Hàn Quốc, thì mới được phép đưa vợ hoặc chồng người nước ngoài đến Hàn Quốc sinh sống.
Quy định ban hành trong bối cảnh nạn bạo hành gia đình vẫn xuất hiện tại các gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc, dẫn đến những bi kịch gây chấn động dư luận trong thời gian qua. Những bi kịch này xuất phát từ nguyên nhân do nhiều người trước khi kết hôn không được trang bị những kỹ năng sống một cách chu đáo, ngôn ngữ bất đồng, thiếu kiến thức văn hóa Hàn Quốc.
Từ khi Hàn Quốc trở thành một địa chỉ hấp dẫn trong việc lựa chọn người kết hôn, sự cạnh tranh giữa các nhà môi giới hôn nhân khá gay gắt và số lượng những kẻ trục lợi nhúng tay vào cũng tăng lên. Để thu hút nhiều khách hàng hơn, các nhà môi giới đã tạo nên những hồ sơ giả về những người chồng tiềm năng. Nhiều người tới Hàn Quốc để kết hôn mà không hề gặp mặt hôn phu trước đó. Bi kịch cũng đến từ những cuộc kết hôn chóng vánh khi toàn bộ các thủ tục từ cuộc phỏng vấn đầu tiên với các cô gái đến lễ kết hôn và tuần trăng mật chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một tuần. Nhiều cô dâu người nước ngoài đã bị “dỗ ngon dỗ ngọt” bằng những lời hứa hão, bị quảng cáo đánh lừa. Sau đó, họ phải sống với người chồng nghèo khó, hoặc những người bệnh tật, nát rượu nên đối mặt vô vàn khó khăn. Phần lớn những cuộc hôn nhân này thường kết thúc bằng việc ly dị và đã có không ít trường hợp cô dâu tự sát hoặc nhẹ hơn là bị lạm dụng, ngược đãi.
Thời gian gần đây, để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều quy định nhằm siết chặt quản lý các cuộc hôn nhân với người nước ngoài như yêu cầu chứng minh tình trạng sức khỏe, yêu cầu tham gia những lớp học văn hóa và tiếng Hàn. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện có khoảng 50.000 cô dâu Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc, chiếm 22% số cô dâu ngoại quốc tại quốc gia này và đứng thứ hai sau Trung Quốc (25%). Hiện, các tổ chức hỗ trợ gia đình đa văn hóa đã có nhiều hoạt động với các dịch vụ hỗ trợ miễn phí cho các cô dâu ngoại quốc. Bắt đầu thành lập từ năm 2008, đến nay Hàn Quốc đã có 212 trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa tại nhiều tỉnh thành với nhiều dịch vụ miễn phí nhằm giúp cô dâu nước ngoài thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc. Họ được tham gia nhiều chương trình khác như học văn hóa, phong tục, chế biến món ăn Hàn Quốc, hỗ trợ tìm việc làm hoặc được tư vấn những vấn đề liên quan đến chăm sóc gia đình, con cái, hỗ trợ khi có những khó khăn về kinh tế, mâu thuẫn gia đình.
THANH HẰNG