Sáng mai 7-7, hai thủy điện lớn trên sông Đà cùng xả lũ

Trưa 6-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã ra Công điện hỏa tốc số 07 yêu cầu 2 nhà máy thủy điện lớn ở miền Bắc là Sơn La và Hòa Bình sẵn sàng mở cửa xả đáy vào sáng 7-7 để chờ đón lũ.

Công ty Thủy điện Sơn La và Công ty Thủy điện Hòa Bình, mỗi hồ thủy điện bắt đầu mở 1 cửa xả đáy vào 8 giờ ngày 7-7 và liên tục phát điện tối đa các tổ máy.

Trong công văn hỏa tốc, Ban Chỉ đạo Trung ương cho biết, hiện nay mực nước tại hồ ở thủy điện Sơn La và Hòa Bình đang ở mức cao hơn so với quy định.

Ngày 6-7, mức nước tại hồ Sơn La ở cao trình 209,41m còn hồ Hòa Bình ở cao trình 107,03m.

Sáng 7-7,  2 thủy điện Sơn La và Hòa Bình cùng xả lũ

Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong vài ngày tới, tại các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái có mưa rất to.

Bởi vì từ ngày 7-7 đến 9-7 tại miền Bắc sẽ có một đợt mưa lớn kéo dài, trọng tâm rơi vào các tỉnh nằm ở thượng nguồn các thủy điện lớn.

Theo đó, từ ngày 7-7 đến 10-7, trên thượng lưu sông Đà, sông Thao và sông Lô sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-4m.

Vì vậy, để lường trước tình huống mưa lũ lớn nguy hiểm, trưa 6-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã ra công điện hỏa tốc yêu cầu Công ty Thủy điện Sơn La sẽ mở 1 cửa xả đáy vào 8 giờ sáng 7-7 và Công ty Thủy điện Hòa Bình cũng mở 1 cửa xả đáy vào 8 giờ sáng 7-7. Đồng thời, yêu cầu liên tục phát điện tối đa các tổ máy.

“Tùy theo tình hình diễn biến của mưa lũ thượng nguồn mà tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy theo quy định”, công điện nêu rõ.

Do hồ Sơn La xả về hồ Hòa Bình còn hồ Hòa Bình xả trực tiếp xuống hạ lưu sông Đà, lũ sẽ đi qua các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định… nên Ban Chỉ đạo Trung ương cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố nằm trong khu vực xả nước bằng mọi biện pháp khẩn trương thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; di chuyển ngay các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản trên sông, phương tiện vận tải thủy, trạm bơm ven sông, cống dưới hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình và các công trình qua sông; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Rà soát các phương án chống lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó.

Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan triển khai thực hiện để đảm bảo an toàn công trình và hạ du khi các nhà máy xả lũ.

Tin cùng chuyên mục