Hiệp hội xuất khẩu hàng quà tặng và hàng gia dụng Việt Nam (Vietcraft) sẽ tổ chức Hội chợ Quốc tế về hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, đồ gỗ và hàng gia dụng Việt Nam năm 2012 (LifeStyle Vietnam 2012), từ ngày 18 đến 21-4-2012, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Tân Bình, TPHCM.
“Đông” nhưng chưa “đủ”
Tham gia LifeStyle Vietnam 2012 dự kiến có trên 1.200 gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam và các nước trên thế giới với 9 nhóm sản phẩm và dịch vụ gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và trang trí gia đình; sản phẩm đồ gỗ trong nhà và ngoài trời; hàng gia dụng và sản phẩm đồ đựng; dệt gia dụng và thêu ren; quà tặng và sản phẩm đồng bào dân tộc; trang sức; thời trang và phụ kiện cá nhân; giày dép thời trang; đồ chơi và dịch vụ hỗ trợ.
Năm nay, hầu hết các doanh nghiệp mong muốn tham gia hội chợ để có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Thế nhưng mới đây, tại cuộc họp báo giới thiệu về hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vietcraft, cho biết, có rất nhiều nhóm mặt hàng doanh nghiệp nước ngoài muốn hợp tác nhưng hầu như không tìm ra nhà sản xuất tại Việt Nam.
Nhiều người tự hào bàn tay người thợ Việt Nam làm được nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, nhưng mới dừng ở đó. Công tác tiếp thị, mở hệ thống phân phối (hoặc thâm nhập để phân phối thông qua một nhà phân phối mạnh) thì vẫn còn một khoảng cách rất xa, do vậy rất nhiều ngành sản xuất một thời khá mạnh nhưng nay mai một. Một số mặt hàng khác có nhu cầu lớn thì không tìm được nhà sản xuất.
Theo ông Ngọc, chẳng hạn năm nay khuynh hướng sử dụng những sản phẩm có chất liệu tái chế để ủng hộ xu thế tiêu dùng xanh, vì thế dòng sản phẩm thủy tinh đã quay lại. Các sản phẩm này là những bình thủy tinh trang trí, nắp thủy tinh đậy trên gỗ, đế nến... hiện thị trường Mỹ có nhu cầu cao nhưng không tìm ra nơi sản xuất. Tương tự, các mặt hàng kim khí (từ tôn và chạm trổ bằng kim loại), dòng hàng lễ hội, đồ nội thất, đồ ngủ, thìa dĩa sử dụng một lần, bao bì đóng gói, vải không dệt, va li túi kéo… nhu cầu đặt hàng cũng rất cao nhưng sản xuất trong nước còn rất hạn chế.
Thực tế là Việt Nam có những sản phẩm khá đình đám được nhiều nước ưa chuộng như bộ salon sơn mài, các loại giỏ xách đan từ mây, tre hay bèo Nhật Bản… Thế nhưng, mẫu mã những năm qua quá đơn giản, ít được nghiên cứu mẫu mã mới, do vậy ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chưa đem lại giá trị xuất khẩu cao.
Đầu tư thiết kế sản phẩm mới
Cũng theo ông Lê Bá Ngọc, hiệp hội sẽ khai trương trung tâm thiết kế và phát triển sản phẩm do Đan Mạch tài trợ, trong đó có cả xưởng sáng tác, nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc và đặt hàng các nhà thiết kế. Công tác thiết kế phát triển sản phẩm mới hiện nay là khâu quan trọng nhưng cũng yếu nhất ở Việt Nam. Hiện TPHCM cũng đã ý thức rất rõ về vấn đề này và đang có những biện pháp tích cực để khuyến khích ngành công nghiệp sáng tạo nhằm mang lại giá trị gia tăng mới.
Tiềm năng sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam còn rất to lớn, nhưng để tiềm năng này trở thành hiện thực, còn cần rất nhiều nỗ lực, trong đó cần phát huy tính sáng tạo. Đây chính là mấu chốt mà các nhà quản lý và hoạch định chính cần cân nhắc.
Phước Ngọc