Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp” đã kết thúc với 220 đại biểu tham dự cùng 70 tham luận và gần 40 ý kiến phát biểu. Đây là hoạt động khoa học quan trọng được tiến hành nhân dịp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất được đề ra và giải quyết trong hội thảo là việc định nghĩa khái niệm và xây dựng tiêu chí để xác định thế nào là một tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Có đại biểu cho rằng giá trị phải được đúc kết từ các yếu tố Chân - Thiện - Mỹ, có người lại cho rằng như thế chưa đủ, tác phẩm phải có thêm cái mới, cái tiến bộ. Có người như GS Phong Lê thì còn cho rằng để nhận dạng tác phẩm có giá trị cao, cần dựa vào hai tiêu chí: đến được với cái thật và cái đẹp. Cái “thật” là chạm vào được sự sống cơ bản của nhân dân và cái “đẹp” là khát vọng nhân văn và thẩm mỹ toát ra từ các trang chữ.
Tuy chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn nhưng các đại biểu cũng đã thống nhất được một định nghĩa tạm thời. Theo đó, tác phẩm VHNT có giá trị cao là những tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác động sâu sắc xây dựng con người, phản ánh chân thực, sinh động đời sống, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng và bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng. Cũng từ đó, hội thảo cũng đã đưa ra tiêu chí để nhận định thế nào là tác phẩm “đỉnh cao”. Đó là tác phẩm có sự vượt hẳn lên các tiêu chí của tác phẩm giá trị cao, hay có thể gọi đó là tác phẩm đặc biệt xuất sắc.
Hội thảo đã nêu ra hai điểm yếu cơ bản của hoạt động VHNT hiện nay, trong đó đầu tiên phải nói đến việc bối cảnh sáng tạo đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ, nhưng sự chuyển động của văn học, nghệ thuật thì chậm chạp, nội dung nhiều tác phẩm còn sơ lược, hình thức diễn đạt vẫn theo lối mòn. Điều này trên thực tế đã từng được Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) chỉ rõ: “Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế về tiếp cận và nhận thức… chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước”.
Điểm yếu thứ hai là hoạt động sáng tạo VHNT phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; nhiều tác phẩm phản ánh chưa bao quát và sinh động truyền thống cách mạng hào hùng và thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập của dân tộc ta. Đại diện ở nhiều lĩnh vực như nhà văn Vũ Hạnh; GS Hoàng Chương; NSƯT Lê Chức; nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát; đạo diễn Đặng Xuân Hải; nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Nghị; nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Châu… đều khẳng định sự thiếu vắng các tác phẩm có giá trị cao; một số lĩnh vực chỉ có những tác phẩm trung bình, trung bình khá; hoạt động của một số lĩnh vực như điện ảnh, sân khấu, âm nhạc… còn lúng túng, bị động; thậm chí có thời kỳ rơi vào khủng hoảng.
Lĩnh vực sáng tác VHNT là lĩnh vực “sản xuất” đặc biệt, đặt nặng vào yếu tố cá nhân nên về các giải pháp, hội thảo cũng nhấn mạnh vào việc nâng cao các yếu tố cá nhân. Đầu tiên là việc đề cao trách nhiệm và tấm lòng của văn nghệ sĩ trước Tổ quốc và nhân dân. Trong đó, bên cạnh việc tự trau dồi của người nghệ sĩ còn có vai trò của các hội chuyên ngành từ trung ương đến địa phương trong việc tạo môi trường, cung cấp thông tin chính thống để người nghệ sĩ chắt lọc, tái hiện lại bằng cặp mắt nghệ thuật. Giải pháp thứ hai là cần quan tâm hơn nữa việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật. Việc quan tâm này phải thể hiện cụ thể bằng các chính sách nhất quán, một hệ thống các giải pháp đồng bộ như đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, tôn vinh, phát huy…
Nếu những giải pháp trên cần thời gian để triển khai thì giải pháp đẩy mạnh hoạt động lý luận, phê bình được xem là có thể nhanh trong triển khai vào thực tế. Nhiều ý kiến đã nhấn mạnh vấn đề cốt tử của phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay là thiếu “tính phê bình chuyên nghiệp”. Các tham luận đều nhấn mạnh yếu tố cần có của người làm phê bình chuyên nghiệp là: được đào tạo bài bản, chính quy trong các trường đại học về khoa học xã hội, về nghệ thuật, hoặc có năng khiếu; có ý thức tự học, tự rèn luyện và thể nghiệm… Đi liền đó cần có nhân tố khách quan cần thiết - đó là phải xây dựng môi trường phê bình thật sự dân chủ, cởi mở, có văn hóa.
Các vấn đề đặt ra trong hội thảo không phải là vấn đề hoàn toàn mới, nhưng là vấn đề lớn và khó, đã và đang là đòi hỏi bức thiết, sống còn đối với nền văn nghệ của chúng ta trong tình hình hiện nay.
PGS-TS NGUYỄN HỒNG VINH
Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương