Như thường lệ, đến “giờ G” - cuối tháng 3 - thì Sở GD-ĐT TPHCM mới công bố môn thi thứ ba vào lớp 10 công lập, nhưng từ giáo viên đến học sinh lớp 9 đều đoán chắc chắn nó là môn Anh văn. Cũng như hai môn bắt buộc Toán và Văn, học sinh lớp 9 đều chạy đua ôn luyện, học thêm từ đầu năm học để có thể cầm chắc một suất học lớp 10 ở trường THPT công lập.
Sắp đến ngày thi vào lớp 10 công lập năm học 2016-2017, nhiều giáo viên dạy môn Anh văn lại cảm thấy bất an, lo lắng khi nhận được công văn hướng dẫn ôn tập môn Anh văn của Sở GD-ĐT. Theo đó, trong kỳ thi tuyển sinh này, sở sẽ ra một đề thi chung cho cả hai chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT (đại trà) và chương trình thí điểm chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa sau năm 2018. “Thí điểm được 4 năm nay ở một số lớp và một số trường THCS, chương trình tiếng Anh thí điểm được đánh giá là khó hơn. Vì thế, việc Sở GD-ĐT ra chung một đề thi là không cân xứng, không công bằng đối với học sinh học chương trình tiếng Anh thí điểm” - Đó là ý kiến bức xúc của nhiều giáo viên dạy Anh văn ở các trường THCS của TPHCM.
Điều khiến các giáo viên băn khoăn, lo lắng hơn chính là cách hướng dẫn ôn tập về chuyên môn của Sở GD-ĐT chưa chuẩn, nếu không muốn nói là khó hiểu, khi dùng các khái niệm từ “giao thoa”, “man mác” để phát triển từ cho chương trình thí điểm. Không dừng ở đó, Sở GD-ĐT còn hướng dẫn giáo viên xem xét giữa hai giáo trình tiếng Anh đang dạy ở lớp 9 rồi tự tìm ra điểm ngữ pháp lẫn từ vựng chung để dạy học sinh của mình. Quả thật, yêu cầu này đang làm khó đối với tất cả giáo viên dạy chương trình tiếng Anh thí điểm. Bởi lẽ, thời gian thi vào lớp 10 đang gần kề và giáo viên phải tìm ra những từ “giao thoa” giữa sách cũ và thí điểm để dạy, ôn luyện cho học trò của mình.
Ngôn ngữ là quá trình bồi đắp liên tục chứ không thể nhồi nhét trong thời gian quá ngắn, quá gấp gáp. Việc chỉ ra chung một đề thi lớp 10 cho cả hai chương trình như nói trên sẽ gây thiệt thòi cho học sinh học thí điểm trong kỳ thi quan trọng, tính cạnh tranh rất cao này. Dù biết muốn nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh thì phải mạnh dạn thay đổi, thí điểm chương trình, sách giáo khoa nhưng việc kiểm tra đánh giá năng lực học sinh phải dựa trên nền tảng kiến thức, chương trình đã dạy, chứ không thể áp dụng theo lối mòn dựa theo chương trình của sách cũ. Vấn đề mà các giáo viên tiếng Anh kiến nghị chung là tại sao Sở GD-ĐT TPHCM không ra hai đề riêng cho học sinh lớp 9 theo học hai chương trình tiếng Anh khác nhau? Câu hỏi xin dành cho Sở GD-ĐT TPHCM giải đáp.
Một giáo viên dạy tiếng Anh (thinguyen…@gmail.com)