Báo chí gần đây đưa tin khá nhiều về hậu trường các “sao” bóng đá Việt Nam. Nhu cầu nắm bắt thông tin của người hâm mộ về những “thần tượng” của mình ngày càng được thỏa mãn. Trên sân cỏ, họ là những người hùng của đội tuyển quốc gia, là trụ cột của câu lạc bộ. Ngoài xã hội, có những người dành thời gian khá nhiều cho công tác xã hội, đến và chia sẻ với trẻ em khó khăn bất hạnh khi có thời gian. Và, một khía cạnh khác khá lôi cuốn sự chú ý của người hâm mộ, đó là tiêu xài của “sao”.
Thời của những chiếc điện thoại đắt tiền được xài đầu tiên bởi các “sao” bóng đá giờ đã qua rồi. Nay, “sao” chơi với nhau thì phải là xe hơi hạng sang. Một “sao” đang xài chiếc ô tô trị giá 1,5 tỷ đồng chưa đầy vài tháng thì đổi sang chiếc khác hơn 2 tỷ vì không còn thời thượng nữa. “Sao” khác dành một chiếc đi tập, còn một chiếc để đưa gia đình đi chơi. Một “sao” nổi tiếng hơn thì “buộc” phải đổi chiếc 1,5 tỷ đang sử dụng sang chiếc đắt hơn để… hợp với con điện thoại 15.000 USD của người yêu tặng!
Tính trong làng bóng đá thế giới, các cầu thủ Anh quốc vốn luôn nổi tiếng với việc xài xe hơi hạng sang. Thường, khi một dòng xe đời mới xuất xưởng thì không ít trong số đó được sở hữu bởi các ngôi sao bóng đá Anh. Giờ đây, nhiều người nói vui rằng, họ đã phải… ganh tị với các sao bóng đá Việt Nam khi những chiếc xe hơi hạng sang của các hãng sản xuất nổi tiếng thế giới được đặt hàng ngày càng nhiều hơn từ nơi này.
Cầu thủ bóng đá ngày nay một khi tạo được chú ý của các ông bầu và giới hâm mộ thì thu nhập sẽ cao ngất ngưỡng. Công sức họ bỏ ra không thể tính bằng thời gian trên sân mà bằng sức thu hút của hàng triệu người hâm mộ. Vì vậy, thu nhập của cầu thủ bóng đá luôn cao hơn rất nhiều môn thể thao khác cũng là điều hợp lý khi xét trên khía cạnh này.
Bóng đá Việt Nam đang hướng dần đến chuyên nghiệp, trong đó có lẽ giới cầu thủ là bộ phận “chuyên nghiệp” nhanh nhất. Nhưng, bước tiến nhanh này dường như thiếu nền tảng từ bản thân cầu thủ.
Các ngôi sao bóng đá thế giới luôn xuất thân từ câu lạc bộ, được đào tạo từ câu lạc bộ, phấn đấu không mệt mỏi từ câu lạc bộ để trở thành tuyển thủ quốc gia. Với họ, tuyển thủ quốc gia luôn là vinh dự và trách nhiệm. Một khi phong độ thi đấu ở câu lạc bộ giảm, không được thường xuyên thi đấu, thì họ tìm mọi cách để chuyển sang câu lạc bộ khác để được thi đấu thường xuyên hơn, với mong muốn cuối cùng là được gọi vào đội tuyển.
Còn “sao” bóng đá Việt Nam thì dường như đi ngược lại. Từ một cầu thủ chưa có gì nổi bật ở câu lạc bộ, lọt vào mắt xanh của huấn luyện viên đội tuyển, vậy là họ được tập trung để trui rèn. Thi đấu thành công một vài trận ở đội tuyển quốc gia trở thành tấm bằng cho cầu thủ khi trở về câu lạc bộ. Từ đó, họ thành “sao”, và giá trị chuyển nhượng tăng vùn vụt. Vậy mà, đến khi đội tuyển cần thì không ít “sao” đã tìm khá nhiều cách để… tránh “bị” tập trung. Có lẽ với họ, vinh dự và trách nhiệm đã không đi kèm với tính chuyên nghiệp.
Ngôi sao bóng đá quốc gia không còn là khái niệm của cá nhân cầu thủ, nó hàm chứa cả lòng tự hào dân tộc và ý thức công dân. Vì vậy, trở thành “sao” chỉ vì xài sang thì sẽ sớm lu mờ trước mắt người hâm mộ.
H. QUÌ