“Sao vuông” tỏa sáng

Những chiến sĩ “sao vuông” (dân quân tự vệ Quân khu 7) luôn đồng hành cùng bộ đội chủ lực, không những hăng say luyện tập sẵn sàng chiến đấu mà còn tỏa sáng bằng những việc làm tích cực và ngày càng lớn mạnh thông qua các mô hình hoạt động mới.
Lực lượng dân quân huấn luyện sử dụng súng máy phòng không 12,7mm
Lực lượng dân quân huấn luyện sử dụng súng máy phòng không 12,7mm

Hình ảnh đẹp trong lòng người dân 

Từ lâu, những chiến sĩ “sao vuông” không chỉ gắn bó với bộ đội chủ lực Quân khu 7 trên thao trường, mà còn phối hợp thực hiện giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, giúp đỡ người dân. Cũng như bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ sao vuông gần gũi, thân thuộc đã xây dựng được hình ảnh đẹp trong lòng người dân.

Người dân phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM) vẫn nhớ hình ảnh “chiến sĩ sao vuông” Nguyễn Thành Đạt đã hy sinh khi đang giúp người dân phòng chống dịch Covid-19. Giữa năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, anh được giao nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát dịch và tham gia các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ người dân trên địa bàn phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Sau một lần kiểm tra định kỳ, anh được phát hiện dương tính với Covid-19. Mặc dù đơn vị nhanh chóng chuyển anh vào khu cách ly, chăm sóc chu đáo nhưng bệnh chuyển nặng nên anh không qua khỏi. Sự ra đi của người “chiến sĩ sao vuông” giữa đại dịch Covid-19 đã để lại bao niềm thương nhớ cho người dân.  

Là một trong 38 dân quân thường trực đạt danh hiệu “Mẫu mực, tiêu biểu, trách nhiệm”, anh Nguyễn Hữu Nhân, Tiểu đội trưởng dân quân thường trực phường 7 (quận 8, TPHCM), được mọi người tin yêu bởi sự nhiệt huyết trong công tác và luôn tận tình với người dân. Đồng đội của anh Nhân cho biết, trên thao trường anh hăng say huấn luyện. Trong công việc thường nhật, anh gắn bó với người dân bằng những hoạt động xã hội ở địa phương, như giúp đỡ gia đình chính sách, người gặp hoàn cảnh khó khăn hay tham gia làm sạch đường phố.

Dân quân thường trực Nguyễn Thị Phương (xã Lợi Nhơn, TP Tân An, tỉnh Long An) là “bông hoa” trong lực lượng sao vuông. Nữ dân quân Nguyễn Thị Phương cho biết, năm 2019, Ban Chỉ huy quân sự xã có thông báo tuyển dân quân thường trực nên chị mạnh dạn đăng ký tham gia. Song, để trở thành nữ dân quân thường trực cần sự nỗ lực, rèn luyện vất vả. Khó khăn nhất đối với nữ dân quân thường trực là những lúc huấn luyện trên thao trường, sử dụng các loại vũ khí theo quy định. Còn trong công việc thường ngày, mỗi khi trong xã có việc là chị Phương lên đường, không kể mưa hay nắng. Bên cạnh công tác quân sự, việc làm thường xuyên của chị là đến từng nhà thăm hỏi người dân, tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo.

Vững mạnh từ những mô hình mới

Quân khu 7 là một trong những địa bàn trọng yếu của đất nước, vì thế nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng dân quân tự vệ ngày càng nặng nề. Nhằm đáp ứng yêu cầu mới, những năm qua, Quân khu 7 đã xây dựng nhiều mô hình mới, tạo điều kiện để lực lượng quân dân tự vệ ngày càng lớn mạnh và tỏa sáng.

Trong đó, mô hình “Đại đội dân quân thường trực luân phiên làm nhiệm vụ tập trung” đã được triển khai thực hiện tại các địa phương trên địa bàn Quân khu 7. Mô hình này xây dựng ở cấp xã, phường 1 tiểu đội, cấp huyện, quận 1 trung đội dân quân thường trực. Riêng ở TP Thủ Đức, TPHCM có 2 trung đội. Qua 2 năm triển khai, mô hình “Đại đội dân quân thường trực luân phiên làm nhiệm vụ tập trung” đã khẳng định tính thiết thực, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, nhất là trong huy động xử lý các tình huống phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tham gia phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, mô hình “Đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng” đã được triển khai làm điểm tại Công ty Sứ Viglacera (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Trung đội tự vệ Công ty Sứ Viglacera phối hợp với công an khu công nghiệp, lực lượng bảo vệ chuyên trách giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng trộm cắp tài sản, gây rối, bảo đảm an toàn cơ sở sản xuất.

Trước yêu cầu giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự trên biển, mô hình “Đơn vị dân quân tự vệ biển” được Quân khu 7 triển khai xây dựng tại tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đơn vị dân quân biển được thành lập tại 6 xã, phường ven biển thuộc thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận), với biên chế mỗi phường 1 tiểu đội gồm 10 dân quân, 3 tàu, thuyền. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải đội dân quân biển được thành lập gồm 5 tàu với 132 thành viên, thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, kết hợp khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển.

Trong khi đó, ở biên giới, mô hình “Chốt dân quân thường trực biên giới đất liền” cũng được ra đời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền trong tình hình mới. Quân khu 7 quy hoạch 65 chốt dân quân thường trực trên địa bàn 3 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Long An. Mỗi chốt được biên chế 1 tiểu đội dân quân tự vệ với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phối hợp lực lượng biên phòng, công an tuần tra kiểm soát địa bàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Trong tình hình mới, những “chiến sĩ sao vuông” không chỉ thực hiện công tác chuyên môn về quốc phòng, gần gũi với nhân dân trong các ấp, tổ dân phố mà đã có mặt trong những nhà máy, xí nghiệp đến khu vực biên giới, biển đảo xa xôi. Quân khu 7 cũng xây dựng mô hình “Hình ảnh đẹp của dân quân tự vệ” trong nhận thức tư tưởng, tác phong và trong hành động, hiệu quả công tác.

Tin cùng chuyên mục