(SGGPO).– Sáng 9-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Đẩy mạnh tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế
Báo cáo tổng kết của Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho hay, đến nay cả nước đã có 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước được thí điểm thành lập, trong đó 11 tập đoàn do Thủ tướng quyết định thành lập và 1 tập đoàn được Thủ tướng phê duyệt đề án cổ phần hóa và thí điểm thành lập tập đoàn, ủy quyền cho Bộ Tài chính thành lập công ty mẹ.
Hiện nay, 11 tập đoàn kinh tế Nhà nước đang nắm giữ tới 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Nếu tính trong tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế thì 11 tập đoàn này cũng chiếm tới 10% tổng giá trị tài sản, trên 14% tổng số vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn. Hầu hết các tập đoàn kinh tế Nhà nước đều chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh thị trường ở những ngành, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, các tập đoàn thí điểm được thành lập theo phương thức hành chính, còn mang nặng tính chủ quan nên gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty mẹ trong từng ngành, lĩnh vực, nguồn nhân lực chưa đủ trình độ...Trong khi đó, các cơ quan nhà nước và tập đoàn lại chưa chú trọng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề án cũng như phát triển nhân tố nội tại trong tập đoàn. Hầu hết các tập đoàn đều kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với các ưu đãi về nguồn lực và các lợi thế khác. Tình trạng tài chính còn yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất cân đối tài chính.
Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhận định, nhiều tập đoàn đã mở rộng quy mô đầu tư, tuy năng lực tài chính hạn chế thiếu vốn cho ngành chính nhưng vẫn mở rộng sang các ngành nghề rủi ro như tài chính, ngân hàng, bất động sản. Việc dùng uy tín, nguồn lực của nhà nước để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân làm được sẽ làm hạn chế cơ hội và sự phát triển của khối tư nhân.
Từ thực tế đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề xuất trong 2 - 3 năm tới tạm ngừng thí điểm thành lập mới tập đoàn kinh tế Nhà nước để tập trung hoàn thiện khung pháp luật và tái cấu trúc các tập đoàn hiện nay. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế Nhà nước theo hướng không duy trì mô hình tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, giảm số ngành nghề liên quan để tập trung lĩnh vực then chốt. Thực hiện chuyển công ty mẹ trong tập đoàn thành công ty cổ phần theo lộ trình thích hợp đến năm 2020. Trong đó, nhà nước sở hữu trên 75% tổng số cổ phần tại công ty mẹ trong các tập đoàn thuộc lĩnh vực than, kinh doanh điện, dầu khí, phân bón, hóa chất. Nhà nước sở hữu trên 65% tổng số cổ phần tại công ty mẹ trong các tập đoàn hoạt động ở lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, cao su, tàu thủy, tài chính, ngân hàng. Nhà nước sở hữu trên 35% hoặc không cần nắm cổ phần tại các công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực như bất động sản, dệt may, bảo hiểm, cơ khí chế tạo.
Lảm rõ cơ chế, mô hình chủ sở hữu Nhà nước
Tại hội nghị, đại diện các tập đoàn kinh tế đã phát biểu làm rõ thêm những vấn đề nổi cộm. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Đào Văn Hưng khẳng định qua 5 năm thực hiện, tập đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm nguồn điện cho đất nước. Đã nâng công suất nguồn điện lên 24.500 MW, tăng 1,9 lần so với 2006. EVN đã đầu tư 23.000 tỷ đồng trong thời gian qua, vượt đáp ứng điện theo yêu cầu. Đến nay đã có 98,4% xã nông thôn có điện. 95,8% số hộ dân có điện. Tuy nhiên do nhu cầu tăng quá nhanh, thiên tai nên vẫn xảy ra thiếu điện.
Tuy nhiên với giá bán như hiện nay khiến EVN lỗ rất lớn (1 kwh điện lỗ 120 đồng). Việc thu xếp đầu tư cho điện hiện nay cũng rất khó khăn, nếu không bố trí được vốn thì trong những năm tới chắc chắn sẽ thiếu điện. “Cần sớm đưa giá điện tiếp cận cơ chế thị trường. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho điện lực”, ông Hưng đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vận hành cơ chế giá thị trường nhưng phải bảo đảm vĩ mô. “Không để bán giá điện dưới giá thành. Đồng ý phải điều chỉnh giá điện theo thị trường nhưng phải có lộ trình, mức tăng phải hợp lý. Bây giờ cứ bán giá điện bằng giá thành, không thể đề nghị là tăng ngay được. Tập đoàn Kinh tế Nhà nước là công cụ của Nhà nước chính là như vậy”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nói tiếp: "Giá điện phải bán dưới giá thành đúng là có thật, nhưng EVN đầu tư ngoài ngành thua lỗ cũng cần phải xem xét nghiêm túc".
Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết: "Qua mấy năm hoạt động tập đoàn Viettel đã đạt doanh thu, lợi nhuận lớn. Năm 2011, Viettel đạt doanh thu trên 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 20.000 tỷ. Năm 2012, Viettel cố gắng sản xuất một số thiết bị công nghệ cao sử dụng cho mạng 3G".
Từ thực tế hoạt động của tập đoàn, ông Xuân cho rằng mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước nên linh hoạt, không nên cứng nhắc rồi lại phải đi giải quyết hậu quả. Ông cũng kiến nghị, công ty mẹ phải trực tiếp kinh doanh thì mới có hiệu quả.
Đặc biệt, về đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, ông Xuân kiến nghị: “Không nên cấm tiệt. Không nên chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Có thể cho phép đầu tư ngoài ngành nhưng có có sự quản lý của Chính phủ, phù hợp với thế mạnh của tập đoàn”.
Ý kiến này cũng được ông Trần Xuân Hòa, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam ủng hộ vì điều đó phù hợp với xu thế thế giới, miễn là đầu tư ra ngoài phải bảo đảm hiệu quả, đúng luật.
Một số kinh nghiệm thành công của Viettel cũng được ông Xuân đưa ra như phải xây dựng chiến lược của tập đoàn và người xây dựng cũng phải là người điều hành. Người đứng đầu phải được hoán đổi vị trí, thi tuyển liên tục. “Viettel cứ 2 năm lại đổi người ở các chi nhánh”, ông Xuân cho biết. Đặc biệt, đề xuất “phải thanh tra, kiểm tra, giám sát trước và trong quá trình thực hiện, chứ nếu xong rồi mới kiểm tra thì hậu quả cũng đã xẩy ra rồi” của ông Xuân được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình.
Nhiều ý kiến đề xuất cần phân cấp nhiều hơn cho các tập đoàn vì thực tế, nhiều khi cơ hội bị mất đi do vấn đề thủ tục, quy trình quá nhiêu khê.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về tập đoàn kinh tế Nhà nước để các tập đoàn hoạt động thực sự hiệu quả.
Phải kiên trì tái cơ cấu lại các tập đoàn
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng cho rằng, cần tổng kết sâu hơn về mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước, bám vào mục tiêu, yêu cầu hình thành tập đoàn cũng như thực tế hoạt động của các tập đoàn, phải nói rõ những gì đã đạt được và chưa đạt được…
Thủ tướng cũng cho rằng, việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước đã đạt nhiều kết quả nhưng cũng cần nghiêm túc chỉ rõ những hạn chế, sai phạm, điển hình là vụ Vinashin.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu sau khi sơ kết, tổng kết chúng ta kiên trì xây dựng những tập đoàn mạnh để bảo đảm vai trò nòng cốt của nền kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh đừng bao giờ đặt vấn đề bỏ các tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Trên cơ sở hiện hành, Thủ tướng yêu cầu rút kinh nghiệm từ những yếu kém, sai phạm để hoàn thiện thể chế chính sách đối với doanh nghiệp Nhà nước nói chung, các tập đoàn nói riêng. Cần làm rõ cơ chế, mô hình chủ sở hữu Nhà nước ở các tập đoàn, nhất là tập trung 2 khâu: Hội đồng quản trị và Bộ chủ quản. Không thể giao hết cho Hội đồng quản trị hay Bộ chủ quản, nhưng phải xác định rõ giao mạnh, giao nhiệm vụ chính cho hai nơi này.
Song song đó, cần làm rõ cơ chế quản trị của tập đoàn để tránh Hội đồng quản trị có nhiều người nhưng trách nhiệm lại không rõ; cơ chế Đảng lãnh đạo. “Ngay trong cuối năm nay, muộn nhất là quý 1-2012, các tập đoàn phải trình phương án cơ cấu lại đơn vị để tập trung vào nhiệm vụ chính, ngành nghề chính. Phải rõ những doanh nghiệp nào Nhà nước giữ vốn 100%, loại nào Nhà nước cần chi phối nhưng không cần giữ 100% (từ 65% trở lên); còn lại tiến hành cổ phần hóa hết để rút vốn về đầu tư cho các ngành chính. Phải mạnh dạn cổ phẩn hóa cái mà Nhà nước không cần chi phối. Sáp nhập những doanh nghiệp nhỏ. Giải thế những doanh nghiệp thua lỗ. Chính phủ đang mạnh dạn làm việc này", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm, kiên quyết dừng đầu tư ngoài ngành đối với ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm và chứng khoán.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phải hoàn thiện Điều lệ của tập đoàn, quy chế tài chính, quy chế công tác cán bộ. “Hiện nay Hội đồng quản trị được quyết định tới chức Phó Tổng Giám đốc, nhưng phải làm đúng quy chế cán bộ. Phải tăng cường hiệu lực của Ban giám sát. Các tập đoàn phải ổn định khâu cán bộ ngay từ đầu năm 2012 để có thể tập trung vào nhiệm vụ”, Thủ tướng nhắc.
Phan Thảo