Năm nay công tác tuyển sinh của nhiều trường tiếp tục gặp khó khăn, cho thấy rõ bức tranh của giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam hiện tại. Trong khi đó, lúc này việc quy hoạch lại hệ thống các trường ĐH-CĐ đã trở nên rõ nét. Phóng viên Báo SGGP trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) để làm rõ thêm về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, vừa qua Bộ GD-ĐT công bố dự kiến phương án thi và tuyển sinh năm 2016, theo đó sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhưng sau khi có kết quả thi sẽ để các trường tự chủ tuyển sinh. Nghĩa là thí sinh sẽ được tự do đăng ký vào các trường, Bộ GD-ĐT không can thiệp vào việc tuyển sinh. Tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ giáo dục ĐH vừa diễn ra, nhiều trường cũng đã có ý kiến. Vậy tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ quyết định ra sao?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị, vì tuyển sinh là vấn đề nóng của toàn xã hội nên hiện nay Bộ GD-ĐT chưa ấn định bất cứ điều gì. Những dự kiến mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra sẽ để xã hội, các trường thảo luận kỹ. Sau đó, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị riêng về tuyển sinh rồi mới đi đến thống nhất cách làm. Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa khẳng định được điều gì. Nhưng tinh thần của phương án thi - tuyển sinh năm 2016 là phát huy những điểm mạnh của năm 2015, khắc phục những bất cập để tạo nên một kỳ thi công bằng, nhẹ nhàng nhất cho thí sinh, tăng quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh.
* Thưa Thứ trưởng, có một vấn đề khá mới, nóng và đang được xã hội, nhiều trường quan tâm, đó là việc Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tiến hành sắp xếp hệ thống trường ĐH-CĐ liên tiếp nhiều năm không tuyển sinh được. Cụ thể việc này ra sao?
- Trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm 2015 - 2016 thì nhiệm vụ đầu tiên là cơ cấu lại hệ thống trường ĐH-CĐ để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và chất lượng đào tạo. Cụ thể, sẽ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, căn cứ trên thực tế nhu cầu học tập của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó sẽ chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo sư phạm, trường đại học sư phạm trọng điểm. Việc nâng cấp và thành lập mới các trường ĐH-CĐ công lập sẽ được hạn chế tối đa.
Trong bối cảnh một số trường ĐH-CĐ, trung cấp ở địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, UBND địa phương cơ cấu lại hệ thống trường. Cụ thể là chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường ĐH có uy tín… để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu cơ sở không đảm bảo chất lượng.
* Việc sắp xếp lại này được tiến hành ra sao, áp đặt từ trên xuống hay tự nguyện từ dưới lên?
- Việc sắp xếp phụ thuộc nhiều vấn đề. Tinh thần chung là các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm qua và dự báo còn tiếp tục gặp khó cần tự nguyện xây dựng đề án cấu trúc lại mục tiêu, hoạt động, chuyển đổi cơ cấu tổ chức cho phù hợp với tình hình, tránh lãng phí nguồn lực. Cùng với ý kiến của cơ quan chủ quản các trường đó, Bộ GD-ĐT sẽ bàn bạc để thống nhất phương án sắp xếp. Đơn cử như trường A sẽ thành một phân hiệu của trường B, hoặc trường A sẽ chuyển sang đào tạo ngắn hạn... Nói chung là phương án sẽ tùy từng trường cụ thể, tinh thần là tận dụng được cơ sở vật chất đã có. Như vậy là sẽ không có chuyện áp đặt từ trên xuống mà với tinh thần tự nguyện lên phương án của các trường để các bên cùng xem xét.
* Cho đến nay thì Bộ GD-ĐT đã dự kiến có bao nhiêu trường thuộc diện phải quy hoạch lại?
- Kỳ tuyển sinh năm 2015 này đến ngày 25-11 mới kết thúc. Sau khi có báo cáo tổng thể của các trường mới xác định rõ có bao nhiêu trường không tuyển sinh được. Từ đó mới có phương án để sắp xếp hợp lý. Tuy chưa có báo cáo tổng thể nhưng tuyển sinh năm 2015 thể hiện bức tranh rất rõ của giáo dục ĐH hiện nay. Đó là chỉ có khoảng 30 - 40 trường chất lượng hấp dẫn được thí sinh, tạo được uy tín với xã hội, thị trường lao động. Còn nhiều trường đã khó khăn trong tuyển sinh thì kéo dài suốt nhiều năm chứ không riêng năm 2015 này. Trường đã khó tuyển sinh thì dù với phương thức tuyển sinh nào cũng không thu hút được thí sinh. Như vậy, có thể thấy đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta tiến hành sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH-CĐ.
* Theo Thứ trưởng, vì sao đã xoay nhiều phương thức tuyển sinh mà nhiều trường ĐH vẫn không tuyển sinh được?
- Tình trạng này đã diễn ra trong những năm gần đây và do nhiều nguyên nhân, chủ yếu nhất là việc làm cho sinh viên tốt nghiệp khó khăn, một số trường không có chiến lược đầu tư nâng cao chất lượng để phát triển lâu dài, số học sinh thi tốt nghiệp phổ thông có xu hướng giảm khiến dự báo nhu cầu học tập của người dân trước đây (450 sinh viên/vạn dân) không còn phù hợp, dẫn đến tình trạng nguồn cung chỗ học vượt nhu cầu của người dân.
Đến nay, tuy bước đầu đã hình thành văn hóa chất lượng ở các trường nhưng chưa đồng đều giữa các trường. Vẫn còn một số lượng đáng kể các trường do những khó khăn về tiềm lực tài chính, đất đai, nội bộ không thống nhất mâu thuẫn dẫn đến tình trạng trì trệ kéo dài; chưa chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên, hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp nên tuyển sinh ngày càng khó và có nguy cơ không hoạt động được do không có người học.
Nhìn lại tuyển sinh năm 2015 cho thấy, điểm trúng tuyển của các trường thể hiện sự phân tầng khá rõ nét trong toàn hệ thống, các trường tốp đầu đều có điểm trúng tuyển ở mức cao. Kết quả tuyển sinh đã phản ánh đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường và xu hướng chọn ngành.
* Có ý kiến cho rằng, đầu tư ĐH đã hết thời nên cần phải sắp xếp lại. Thứ trưởng có nhận xét gì?
- Đầu tư bất cứ lĩnh vực gì cũng phải tính toán để tránh lãng phí. Dù tiền đầu tư vào thành lập trường ĐH là từ Nhà nước hay tư nhân thì cũng đều là tiền bạc xã hội, vì vậy phải tính toán hiệu quả. Nói đầu tư ĐH đã hết thời cũng không sai. Tâm lý xã hội, người học đã khác trước, đã có sự lựa chọn trường học. Đã qua rồi thời phải vào ĐH bằng mọi giá, đây là lúc người học chọn trường. Thực tế, trong thời gian qua Bộ GD-ĐT đã triển khai thực hiện Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ dựa trên tình hình thực tế về nhu cầu học tập của người dân và khả năng đầu tư của xã hội cho GD-ĐT. Từ mục tiêu 450 sinh viên/vạn dân theo quy hoạch của giai đoạn trước, chúng ta đã giảm xuống còn 256 sinh viên/vạn dân vào năm 2020 để phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Các bộ ngành, địa phương đã thực hiện việc dừng tiếp nhận hồ sơ thành lập trường mới. Năm 2015 chỉ nâng cấp 6 trường đã được duyệt chủ trương từ những năm trước, trong đó có 1 trường ngoài công lập; giảm rất nhiều so với mức bình quân 31 trường/năm của giai đoạn 2006 - 2011. Việc mở ngành cũng được siết chặt lại, kiên quyết không cấp phép mở các ngành không đủ điều kiện. Năm học 2014 - 2015 có 60 ngành không được cấp phép đào tạo do chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện mở ngành theo quy định hoặc thuộc các ngành đã được cảnh báo dư thừa nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chúng tôi lại tạo điều kiện cho các trường mở một số ngành mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực trong xã hội (cao đẳng hộ sinh, năng lượng nguyên tử, thương mại điện tử, an ninh mạng, quản lý thủy sản…)... Kết quả, trong giai đoạn 2011 - 2014, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của các trường ĐH-CĐ đã giảm bình quân 2,5%/năm, hệ vừa làm vừa học giảm bình quân 18%/năm).
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
PHAN THẢO thực hiện