Trên 75% số bệnh nhân bị ung thư phổi có liên quan tới amiăng. Không chỉ vậy, thứ bụi vô cơ này còn gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như ung thư khí phế quản, ung thư trung biểu mô, viêm đường hô hấp… Đáng báo động hơn, Việt Nam lại là một trong 10 quốc gia sử dụng lượng amiăng nhiều nhất trên thế giới. Điều này làm gia tăng nguy cơ phát triển các bệnh tật nguy hiểm.
Hiểm họa rất lớn
Nằm thở hắt ra từng cơn tại khu điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi của Bệnh viện K Trung ương, bác Hưng, cựu công nhân một công ty chuyên sản xuất tấm lớp amiăng ở Đông Anh (Hà Nội), mệt mỏi nói: “Thực sự tôi cũng không biết làm sao lại bị căn bệnh quái ác này. Hơn 20 năm làm việc trong môi trường khắc nghiệt, bụi bẩn suốt ngày mà hầu như chẳng ốm đau gì, có chăng thỉnh thoảng chỉ hắt hơi, sổ mũi. Vậy mà mới về nghỉ hưu chưa đầy một năm đã lâm trọng bệnh…”. Theo các bác sĩ, trường hợp này khá phổ biến. Có rất nhiều người lao động có thể trong suốt quá trình làm việc dù ở trong môi trường độc hại vẫn ít khi ốm đau, nhưng chỉ vừa mới về hưu thì lại bị ung thư, là vì chất độc hại tích lũy trong cơ thể một thời gian dài, đến một thời điểm nào đó sẽ “bùng phát” gây bệnh nguy hiểm cho cơ thể.
Dưới góc độ của một chuyên gia nghiên cứu về các bệnh do amiăng, tiến sĩ Lương Mai Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, cho rằng các bệnh tật liên quan đến amiăng là bệnh ít có khả năng điều trị nhưng dự phòng được. Tuy nhiên đáng lưu ý, nguy cơ phát sinh và phát triển các bệnh liên quan đến amiăng thường phát triển chậm, thời gian ủ bệnh trên 20 năm nên khó phát hiện kịp thời để điều trị. Thậm chí như bệnh ung thư trung biểu mô do amiăng có thể xuất hiện sau 40 năm kể từ lần tiếp xúc đầu tiên chất bụi bẩn này. Hơn nữa, nồng độ tiếp xúc càng cao, thời gian làm việc càng dài thì tỷ lệ bị bệnh nguy hiểm càng lớn. Còn theo thạc sĩ Nguyễn Đình Trung, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế), qua các nghiên cứu và điều tra mới nhất, trong các bệnh liên quan đến amiăng có hơn 76% số bệnh nhân bị ung thư phổi, tiếp đó là ung thư khí phế quản và cuối cùng là ung thư trung biểu mô.
Tây cấm nhưng ta chuộng
Theo Tổ chức Y tế thế giới và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), amiăng là một trong các yếu tố bụi vô cơ gây độc hại cho con người do tiếp xúc trong quá trình lao động sản xuất như khai thác mỏ, thi công, phá dỡ hoặc cải tạo các công trình kiến trúc có sử dụng vật liệu chứa amiăng và sản xuất các sản phẩm có sử dụng amiăng (tấm lợp AC, tấm cách âm, cách nhiệt, má phanh ô tô, ống bảo ôn…). Tác hại của amiăng là gây nên các triệu chứng bệnh hô hấp, bệnh bụi phổi, mảng màng phổi, dày màng phổi, canxi hóa màng phổi và ung thư trung biểu mô. Khi sử dụng amiăng làm vật liệu xây dựng cũng như trong quá trình khai thác có thể gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Tác hại tiềm tàng không chỉ trên sức khỏe của người lao động mà còn có tác hại đối với cả những người sinh sống trong những công trình đó, thậm chí gây tác động rộng trong cộng đồng dân cư.
Ước tính trên thế giới có khoảng 125 triệu người phơi nhiễm với amiăng ở nơi làm việc, trong đó trên 107.000 người tử vong mỗi năm do các bệnh ung thư phổi, u trung biểu mô, bệnh bụi phổi. Do ảnh hưởng nghiêm trọng của amiăng tới sức khỏe người lao động, Tổ chức Lao động quốc tế đã phê chuẩn công ước số và khuyến nghị về sử dụng an toàn amiăng. Hơn 40 quốc gia đã đưa amiăng vào danh mục các chất cấm sử dụng và buôn bán, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Phần Lan, Singapore… Thế nhưng hiện nay, Việt Nam lại đứng trong tốp 10 của thế giới về sử dụng amiăng nhiều nhất. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu trung bình trên 60.000 tấn amiăng và ước tính trên 95% dùng cho sản xuất tấm lợp. Được biết, cả nước có 41 nhà máy sản xuất tấm lợp trong toàn quốc phân bố ở 23 tỉnh, TP với 70 dây chuyền, công suất đạt 75-100 triệu m2/năm. Ước tính cả nước số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có liên quan đến amiăng lên tới 11.000 người, trong đó nam giới chiếm khoảng 80%.
Việt Nam hiện vẫn chưa có hệ thống giám sát bệnh liên quan đến amiăng tại bệnh viện. Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng đối với tác hại của amiăng còn hạn chế. Việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động ở nhiều cơ sở sử dụng, tiếp xúc với amiăng chưa chặt chẽ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm gia tăng nguy cơ bệnh tật nguy hiểm đối người lao động. Ngoài ra, hiện nay mới chỉ có bệnh bụi phổi amiăng thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
MINH KHANG