Với việc thêm nhiều hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ bị xử phạt, cùng mức phạt tăng cao so với trước đây, Nghị định 34/2010/NĐ-CP (Nghị định 34) của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 20-5 được xem là giải pháp cần thiết để góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông. Sau 4 ngày thực hiện nghị định, cho thấy nhiều người dân vẫn còn mù mờ với quy định mới.
Vượt đèn đỏ trên đường Trần Hưng Đạo lúc 18 giờ ngày 23-5-2010. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Có chuyển biến, nhưng...
Lâu nay, người dân ở khu vực trung tâm TP vẫn bức xúc khi chứng kiến các xe ô tô dừng, đậu không đúng nơi quy định và đi vào đường cấm. Khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì chủ xe hay tài xế không xuất hiện dù có thể họ đang ngồi uống cà phê hay đứng gần đó. Chỉ đến khi xe ô tô có cần cẩu của cơ quan chức năng đến đưa xe vi phạm đi thì họ mới chịu xuất hiện. Thế nhưng, mấy ngày qua, kể từ khi thực hiện xử phạt theo Nghị định 34 với quy định và mức xử phạt nặng, tình hình đã chuyển biến rõ nét.
Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu vượt Suối Tiên đến ngã tư RMK) là tuyến quốc lộ có các phương tiện lưu thông dày đặc (nhất là xe tải) nên mỗi lần ùn tắc xe nào cũng muốn lấn tuyến, nhoi lên để được đi trước nên thường xuyên xảy ra kẹt xe. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 34 có hiệu lực, tình hình chấp hành luật lệ giao thông tại khu vực này nghiêm túc hơn. Xe tải, xe khách nối đuôi nhau chạy theo trình tự chứ không dám vượt, chuyển hướng sai quy định hoặc lấn tuyến vì sợ… bị phạt nặng.
Chặn xe phát tờ rơi quảng cáo, một hành vi rất nguy hiểm, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Đ.HIỆP |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều người dân vẫn không hề biết về Nghị định 34 và các quy định xử phạt mới. Những ngày qua, khi hỏi một số người đi bộ vi phạm quy định an toàn giao thông bị cảnh sát giao thông (CSGT) nhắc nhở, cảnh cáo, chúng tôi đều nhận được câu trả lời chung: “Không biết đi sai phần đường sẽ bị phạt tiền” hoặc “không biết có quy định xử phạt mới vì có đọc báo, xem đài đâu mà biết!”.
Ngày 22-5, tại xa lộ Hà Nội (đoạn gần Khu công nghệ cao TPHCM), phát hiện xe container mang biển số 57L-6090 lấn tuyến, tổ tuần tra kiểm soát của Đội CSGT Rạch Chiếc ra hiệu dừng xe, lập biên bản. Được giải thích cặn kẽ khi áp dụng theo Nghị định 34, với hành vi lấn tuyến, số tiền bị phạt lên tới 1,2 triệu đồng, anh Hải ngạc nhiên vì số tiền phạt quá cao so với trước đây và còn bị tạm giữ giấy phép lái xe 30 ngày. Đến khi biết rằng Nghị định 34 và quy định của UBND TPHCM xác định phạm vi này thuộc khu vực nội đô nên mức xử phạt cao hơn, người tài xế này lại thắc mắc vì không nhìn thấy băng rôn hay bảng chỉ dẫn khu vực nội đô… Tuy nhiên, quan trọng nhất là anh không hề biết gì về Nghị định 34!
Nhiều vướng mắc
Sau 4 ngày thực hiện việc xử phạt theo Nghị định 34, bắt đầu xuất hiện những kẽ hở từ chính nghị định khiến việc xử phạt gặp không ít khó khăn. Nhiều CSGT cho rằng, Nghị định 34 chỉ nâng mức phạt mà không quy định hình phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện (trừ trường hợp tái phạm hay chống người thi hành công vụ) đối với các trường hợp đua xe nên sẽ không mang tính răn đe cao.
Về hình thức xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người điều khiển xe gắn máy chở trẻ em trên 6 tuổi không đội nón bảo hiểm, ông Dương Quang Thọ, Trưởng phòng Tuyên truyền Sở Tư pháp TPHCM e ngại rằng khi thực hiện sẽ gặp vướng mắc. Bởi lẽ căn cứ để xác định tuổi trẻ em là dựa vào giấy khai sinh, thế nhưng do trên giấy khai sinh không có dán ảnh nên CSGT không thể biết được cháu bé ngồi trên xe có đúng là cháu bé có tên ghi trên giấy khai sinh hay không.
Đồng tình về vấn đề này, một CSGT của Đội CSGT An Sương cho rằng: Luật nên quy định căn cứ theo chiều cao của cháu bé để CSGT dễ nhận biết, vì có khả năng người điều khiển xe gắn máy đưa ra giấy khai sinh của cháu bé khác để “né” mức tuổi chịu phạt.
Theo Nghị định 34, người đi bộ đi sai phần đường quy định; sang, trèo qua đường không đúng quy định; không chấp hành biển báo, vạch kẻ đường… sẽ bị xử phạt. Thế nhưng, tại TPHCM, số người đi bộ bị xử phạt rất ít.
Một CSGT thuộc Đội CSGT Rạch Chiếc cho biết: “Tại các tuyến quốc lộ rất khó phạt người đi bộ vì đường rộng, họ băng qua con lươn lúc nào không hay. Trong nội thành thì có thể xử phạt dễ hơn, tuy nhiên các đối tượng vi phạm chủ yếu là người bán báo dạo, bán vé số hoặc người sống lang thang … Họ thường không mang theo CMND và… không có tiền. Với những trường hợp này, CSGT chỉ có thể cảnh cáo, nhắc nhở để tuyên truyền chứ không thể phạt tiền”.
Tạm giữ 93 phương tiện gây rối trật tự Đêm 22 rạng sáng 23-5, lực lượng CSGT tại TPHCM triển khai công tác phòng chống đua xe trái phép, gây rối trật tự ban đêm. Qua công tác trinh sát và tuần tra, CSGT đã phát hiện và giải tán hàng chục vụ thanh niên tụ tập, chuẩn bị gây rối trật tự công cộng trên các tuyến đường Điện Biên Phủ, Hùng Vương, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thị Minh Khai, đại lộ Đông Tây… Lực lượng CSGT đã lập biên bản 129 trường hợp và tạm giữ 93 phương tiện các loại vì các hành vi lạng lách, lưu thông thành đoàn, chở 3 người, pô xe nổ to. Riêng tại khu vực quận 5, 6 Đội CSGT Chợ Lớn và Đội Tuần tra - Dẫn đường đã lập biên bản 62 trường hợp vi phạm và tạm giữ 44 phương tiện các loại. Đ.Hiệp |
Đ.Hiệp - A.Chân - H.Hoa