Sau gần một tháng TPHCM “mở cửa”: Nhiều tín hiệu tích cực

Sau gần một tháng “mở cửa” trở lại, tình hình dịch Covid-19 ở TPHCM tiếp tục được kiểm soát, số ca mắc mới liên tục giảm sâu, số ca trở nặng và tử vong cũng đang giảm mạnh. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hàng quán đang dần hoạt động lại; hơn 1 triệu người lao động đã quay lại làm việc… Những tín hiệu đáng mừng đang tạo sức sống mới cho TPHCM, nhất là quá trình phục hồi, phát triển kinh tế sau khi trải qua cơn “bạo bệnh”.
Người dân mua sắm tại Trung tâm Thương mại Union Square Đồng Khởi, quận 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân mua sắm tại Trung tâm Thương mại Union Square Đồng Khởi, quận 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dần phục hồi 

Gần một tháng sau khi trở lại trạng thái chuẩn bị cho “bình thường mới”, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM cơ bản được kiểm soát. Đáng chú ý là số ca mắc mới liên tục giảm sâu. Nếu cuối tháng 9-2021 số ca mắc mới mỗi ngày vẫn ở mức gần 3.000 trường hợp, thì từ đầu tháng 10-2021 đến nay đã giảm xuống dưới 2.000 trường hợp và hiện chỉ còn dưới 1.000 trường hợp/ngày.

Ngoạn mục hơn cả là số lượng ca tử vong do Covid-19 cũng đi xuống theo phương thẳng đứng. Ở thời điểm cuối tháng 9, mỗi ngày thành phố có trên 100 ca tử vong thì đến nay con số tử vong đã ở dưới mức 2 con số; đặc biệt, ngày 26-10 chỉ ghi nhận 27 trường hợp tử vong - mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8 đến nay.

Có thể nói, những con số giảm ấn tượng đã chứng minh cho thấy sự hiệu quả của các biện pháp chống dịch của thành phố, trong đó có nỗ lực tăng độ bao phủ vaccine một cách “thần tốc”.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong tháng 11-2021, TPHCM trở lại trạng thái “bình thường mới” nhưng không phải trạng thái “bình thường mới” toàn bộ mà là từng phần. Các hoạt động được dần mở trở lại, có trước có sau theo nguyên tắc an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Hiện nay, thành phố cho bán ăn uống tại chỗ, các dịch vụ khác sẽ dần dần được mở ra.

Đến nay, TPHCM đã tiêm được hơn 12,8 triệu mũi vaccine, trong đó có gần 7,2 triệu mũi 1 (đạt tỷ lệ gần 99,3%) và gần 5,7 triệu mũi 2 (hơn 78,4%). “Tình hình dịch Covid-19 trong tầm kiểm soát, số ca dương tính không tăng đột biến. Đồng thời, số ca chuyển nặng và tử vong đã giảm mạnh”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá về khoảng thời gian gần một tháng thành phố nới lỏng giãn cách.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cũng đánh giá, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19. Các chốt kiểm soát đã được tháo gỡ, lưu thông thuận lợi. TPHCM cũng chủ động phối hợp với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân quay trở lại thành phố làm việc. Tình hình kinh tế dần được cải thiện, số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng nhanh.

Ngày 28-10, trao đổi với phóng viên Báo SGGP về phục hồi kinh tế - xã hội trong gần 1 tháng qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM đang từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, dịch vụ, tập trung trong khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao (KCX-KCN-KCNC). Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp mở lại trên 93% và số lượng công nhân quay trở lại các doanh nghiệp trên 70% tại KCX-KCN-KCNC.

Mạnh dạn thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng thông tin, hiện nay, cấp độ dịch của TPHCM đang tạm ở mức 2 - vùng vàng (vùng nguy cơ trung bình). Do đó, thành phố cần nỗ lực, đặc biệt là cần sự chung sức của người dân để tiến tới mức độ thấp nhất là mức độ 1 - bình thường mới.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, các kịch bản ứng phó cho từng tình huống theo từng cấp độ nguy cơ trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ đã được ngành y tế TPHCM xây dựng và triển khai. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chủ động giám sát diễn biến dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, tiến hành dập dịch nhanh và triển khai chăm sóc, điều trị F0 an toàn, hiệu quả.

Sau gần một tháng TPHCM “mở cửa”: Nhiều tín hiệu tích cực ảnh 1 Phụ huynh đã có thể đưa con đi nhà sách (Ảnh chụp 19-10-2021 tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ - Nhà Bè). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh mở ra, người lao động trở lại thành phố làm việc nhiều hơn có nhiều khả năng dẫn đến số ca mắc Covid-19 sẽ gia tăng. Song, các chuyên gia đề nghị thành phố chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng, miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. 

Một giải pháp quan trọng là thay vì phong tỏa diện rộng, hoặc “đóng cửa” các hoạt động sản xuất như trước đây, thì nên ứng phó một cách linh hoạt, tạo thuận lợi nhất cho phục hồi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cũng đánh giá, nguy cơ thành phố phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế là rất nhỏ. Vì thế, thành phố cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ thêm, một vấn đề khiến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh “đau đầu” khi mở cửa trở lại là… nếu có F0 thì nơm nớp lo cách xử lý. Bà Vũ Kim Hạnh đề xuất, doanh nghiệp cần phải lập ra các tổ phản ứng nhanh, kết hợp với trạm y tế lưu động để khi có F0 sẽ lập tức đến xử lý ngay trong vòng 30 phút. Đồng thời mô hình “3 tại chỗ” cần được chuyển sang “3 xanh” (nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh), thậm chí “4 xanh” để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên cũng cho rằng ý thức của người dân và doanh nghiệp đã được nâng cao khi đã hiểu rất rõ cách phòng chống Covid-19, vaccine cũng đã được bao phủ. Với F0 ở các doanh nghiệp, cần bình tĩnh xử lý. “Nếu trong doanh nghiệp có nơi lưu trú thì người lao động ở tạm đó một thời gian để cách ly điều trị. Nơi phát hiện được khử khuẩn rồi sản xuất bình thường, chứ không nên nặng nề quá”, ông Trần Văn Khuyên nhận xét.

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Phát huy hiệu quả công tác thu dung điều trị

Hiện nay, tổng số có hơn 13.000 bác sĩ và hơn 20.000 điều dưỡng đang công tác tại các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Phần lớn những người này đã tham gia phòng chống dịch Covid-19 trong đợt bùng phát vừa qua và đã có những kinh nghiệm thực tế. TPHCM cũng đào tạo liên tục về quy trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19. Ngành y tế thành phố tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả công tác thu dung điều trị cho người bệnh Covid-19, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong. 

Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM: Kết nối nguồn hàng chất lượng cao, giá hợp lý

TPHCM đang khẩn trương triển khai kế hoạch tổ chức kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành nhằm mục đích tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý trên phạm vi cả nước để phục vụ, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường. Đồng thời, thành phố hỗ trợ các tỉnh, thành tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường cho sản phẩm thế mạnh của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp TPHCM kết nối, phát triển tại các tỉnh, thành. Sở Công thương TPHCM cũng đã làm việc trực tuyến với 22 tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ nhằm thúc đẩy giao thương, cung ứng hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành.

Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Hơn 1 triệu người lao động đã quay lại làm việc

Đến nay, qua báo cáo chưa đầy đủ của 13 quận, huyện và TP Thủ Đức, ghi nhận có gần 62.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại với hơn 1 triệu lao động đã quay lại làm việc. Riêng trong khu chế xuất - khu công nghiệp (bình thường có 1.412 doanh nghiệp và hơn 288.000 lao động), Khu Công nghệ cao (với 118 doanh nghiệp và 50.000 lao động), đến nay đã có 1.321 doanh nghiệp hoạt động trở lại với gần 201.300 lao động. Hiện các doanh nghiệp rất thiếu người lao động. TPHCM đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi đưa người lao động trở lại TPHCM sinh sống, làm việc.

PGS-TS LÊ THANH SANG, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ: Cần trao sự chủ động cho doanh nghiệp

Để thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép, cần công bố rõ ràng chính sách phục hồi, xác định điều kiện, tiêu chí mở cửa thống nhất theo lộ trình từ các bộ, ngành, địa phương giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó. Đồng thời, cần đơn giản hóa quy trình vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Các doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan chức năng công bố rõ ràng và nhất quán về chính sách “Thẻ xanh Covid” và di chuyển lao động liên tỉnh. Cùng với đó là phải đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính; tiếp tục giãn nợ tới hạn và cung cấp nguồn vay đủ lớn giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất. 

Tin cùng chuyên mục