Không lâu sau khi Tập đoàn Las Vegas Sands (Mỹ) bày tỏ ý định đầu tư hai khu nghỉ dưỡng phức hợp tại Hà Nội và TPHCM, trong đó có hạng mục casino với tổng vốn đầu tư có thể lên tới 6 tỷ USD, nay đến lượt lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác nhận, Tập đoàn Genting (Malaysia) đang nghiên cứu đầu tư một khu liên hợp vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn ở Vân Đồn, với vốn đầu tư trên 4 tỷ USD.
Trao đổi với báo giới, vị Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands, ông Sheldon Adelson, thẳng thắn cho biết: “Không có casino thì không đầu tư được”. Và dự án của Genting tại Vân Đồn cũng “không thể thiếu casino”! Được biết, dự án của Las Vegas Sands mới là đề xuất của nhà đầu tư, song với dự án của Tập đoàn Genting thì ngày 19-1-2012, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác và UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng và báo cáo xin ý kiến Chính phủ trong phiên họp tháng 2-2012.
Không chỉ có vậy, khá nhiều dự án quy mô lớn đã được cấp chứng nhận đầu tư cũng có hạng mục “khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài”, mà theo các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực chất cũng gần giống như casino. Có thể kể đến Silver Shores Hoàng Đạt (Đà Nẵng); Hoàng Đồng Lạng Sơn; Hồ Tràm Strip... Đó là chưa kể nhiều “dự án tỷ đô” khác đã bị rút giấy phép hay ngừng xem xét chủ trương đầu tư.
Trên thực tế, đúng là một lượng vốn đáng kể sẽ không chảy vào Việt Nam nếu các dự án casino bị từ chối. Theo quy định hiện hành, muốn đầu tư một casino, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất 4 tỷ USD cho một dự án. Tuy nhiên, nên hay không nên cho phép đầu tư rộng rãi loại hình kinh doanh nhạy cảm này thực sự là một quyết định khó khăn.
Trong cuộc họp báo về thu hút đầu tư vào Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh này, chia sẻ về dự án mà Genting định đầu tư tại Vân Đồn: “Vịnh Hạ Long hiện nay khách đến nhiều, nhưng dịch vụ chưa có nhiều. Khách quốc tế đến Quảng Ninh hàng năm khoảng 6 triệu lượt người, nhưng để thu hút khách lưu trú lại thì các dịch vụ hiện nay còn hạn chế. Nhà đầu tư bảo có casino người ta mới đầu tư. Do vậy, đây là bài toán đặt ra cho Quảng Ninh chúng tôi”...
Được hỏi về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, có quan điểm khá dứt khoát. Bên cạnh những lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội (một khi có quá nhiều dự án casino hoặc có hình thức tương tự casino), ông Mại nêu vấn đề: liệu bài toán đầu tư đã được tính kỹ, khi mà các công dân Việt Nam không phải là khách hàng của các casino này?
GS Nguyễn Mại thẳng thắn nhìn nhận, giả sử các dự án đều được thực hiện đúng như cam kết của nhà đầu tư (nên nhớ rằng casino ở Đồ Sơn - Hải Phòng đã hoạt động được 18 năm nhưng không phát triển và trong hàng loạt dự án đã được cấp phép, trừ Silver Shores đã đi vào hoạt động, còn lại đều vẫn nằm trên giấy), thì cũng không nên cấp phép rộng rãi cho những dự án này, kể cả các dự án có khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài. Điều này cũng thể hiện quan điểm “trọng chất hơn lượng” – chính là phương châm đã và đang được Chính phủ quán triệt đối với dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tình hình hiện tại. Nếu không, rất có thể đến lúc chúng ta sẽ phải tổng rà soát và loại khỏi danh sách những dự án loại này như đã từng phải làm với các dự án sân golf!
ANH THƯ